Để kinh tế tăng trưởng, NHNN đang ép lãi suất cho vay xuống 15%/năm. Ảnh: Tấn Thạnh
Giảm nhưng thận trọng
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Việt Nam vẫn còn dư địa giảm lãi suất. Lạm phát đã thấp xa so với chỉ tiêu đặt ra (dự báo lạm phát cả năm thấp nhất là 4,6%, cao nhất 6%) đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. “Vấn đề nóng nhất hiện nay là tiếp tục hạ lãi suất hay dừng lại ở mức trần 11% như hiện nay” - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế này, Việt Nam đã có thời gian dài duy trì lãi suất nội tệ cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ. Cụ thể là trần lãi suất huy động nội tệ là 14% (thực tế còn cao hơn) trong khi lãi suất huy động ngoại tệ chỉ 2%/năm. Sự chênh lệch rất lớn này khiến doanh nghiệp, dân cư và NH thương mại chuyển trạng thái tài sản, bán ngoại tệ chuyển sang nội tệ. Trong quý IV/2011, nhiều NH thương mại duy trì trạng thái ngoại tệ âm. Cùng với xu hướng giảm mạnh nhập khẩu, NH Nhà nước (NHNN) đã có điều kiện tăng mạnh dự trữ ngoại hối.
Dư địa giảm lãi suất vẫn còn, giả sử giảm lãi suất huy động xuống 9%/năm, lãi suất ngoại tệ vẫn là 2% ứng với kịch bản lạm phát cả năm 5% thì dư địa giảm lãi suất là 3%. Nếu tính theo lạm phát ở mức 6% thì dư địa giảm lãi suất là 2%. Tuy nhiên, dư địa này khá mong manh vì giảm thêm 1% lãi suất có thể không có dịch chuyển lớn nhưng vẫn phải thận trọng vì khi đó, ngân hàng thương mại có thể dễ chuyển từ trạng thái âm ngoại tệ sang dương ngoại tệ. Còn lãi suất giảm xuống 8%/năm, rất có thể người dân sẽ chuyển sang trạng thái ngược lại là chối bỏ nội tệ. Diễn biến mới trên thị trường hiện nay là không còn rõ xu hướng chuyển dịch ngoại tệ sang nội tệ nữa, thay vào đó là trạng thái giằng co hoặc hình thành xu hướng ngược lại. Do đó, NHNN sẽ rất thận trọng trong điều hành giảm lãi suất những tháng cuối năm.
Nợ xấu ngáng đường tăng trưởng
Để cứu doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đang ép lãi suất cho vay xuống mặt bằng 15%, duy trì trong vòng một năm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp hành chính, chưa thể cải thiện được tình trạng suy kiệt tín dụng đang diễn ra trong 7 tháng đầu năm. Nguyên nhân của tình trạng này là nợ xấu. Tổng nợ xấu của cả hệ thống NH đã lên đến 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.
Nếu Chính phủ không vào cuộc mà để NH tự xử lý mỗi năm chỉ giải quyết được nhiều nhất là 2% và như vậy cần 4-5 năm mới giải quyết xong nợ xấu. Trong thời gian này, các NH thương mại sẽ không tăng tín dụng hoặc kiểm soát rất nghiêm ngặt tín dụng mới, duy trì lãi suất cho vay cao để bù đắp nợ xấu mà họ phải gánh. Như vậy sẽ dẫn đến đình đốn sản xuất, khó tăng trưởng kinh tế.
Đề nghị lãi suất cho vay trung hạn dưới 12%/năm Trong hội thảo “Góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 26-7, Bộ Công Thương đã đề nghị NHNN giảm lãi suất cho vay xuống dưới 12%, thấp hơn nhiều so với mức 15% mà NHNN yêu cầu các NH thương mại thực hiện. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp tục đầu tư thiết bị để mở rộng sản xuất cũng như thay thế thiết bị cũ. Đây là nguồn vốn trung hạn nhưng các NH mới chỉ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, lãi suất cho vay trung hạn vẫn còn ở mức cao.
N.Hiền |
Bình luận (0)