Tối 26-7, 72 nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị đã tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân các liệt sĩ. Ảnh: TTXVN
Máu và nước mắt
Hình ảnh ngôi mộ tập thể 105 liệt sĩ hy sinh trong 81 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã nói lên sự tàn khốc của chiến tranh, những hy sinh, mất mát của các anh hùng liệt sĩ. Trong 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9-1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn; trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện nhưng sau một đêm chỉ còn lại vài người sống sót. Cựu chiến binh Đỗ Đình Du vẫn còn vẹn nguyên ký ức về những ngày đỏ lửa. Đối mặt với bom đạn, ông chưa bao giờ rơi lệ nhưng khi đến nghĩa trang thắp hương cho đồng đội, ông đã khóc nấc lên như một đứa trẻ.
Về thăm nhà tù Phú Quốc, cựu tù binh Nguyễn Trọng Lượng rưng rưng. Bị đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng; trùm bao bố chế nước sôi; đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi; thiêu sống, chôn sống; ép ván vào lồng ngực... là những kiểu tra tấn dã man, tàn độc hơn cả thời trung cổ mà ông Lượng và đồng đội từng hứng chịu. Hơn 4.000 tù nhân đã chết, hàng chục ngàn người bị tàn phế... là bằng chứng rõ ràng nhất về tội ác, sự tàn bạo đến tột cùng của kẻ thù.
Tri ân thế hệ cha ông
Độc lập tự do của Tổ quốc đã được viết bằng máu và nước mắt như thế. Không ai được phép lãng quên. Đó là thông điệp mà “Bản hùng ca bất diệt” muốn truyền tải đến hàng triệu trái tim Việt Nam. Trước những mất mát hy sinh quá lớn ấy, nhà văn quân đội Chu Lai bỗng thấy “sự trở về của mình thật vô lý vì bao nhiêu đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ra đi...”. Giọng ông run run: “Mỗi năm vào những ngày này, tôi lại không thể ngăn mình đừng buồn. Không có dân tộc nào trên trái đất này phải đi qua những cuộc kháng chiến trường kỳ như dân tộc Việt Nam... ”.
“Nhắc lại quá khứ để làm sống lại những giá trị đích thực của lịch sử”. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh điều này như một lời tâm tình, nhắn gửi với thế hệ trẻ. Ông tin rằng thế hệ trẻ hôm nay không sống hời hợt, vô tâm, hưởng thụ mà đang và sẽ vươn lên, làm những việc có ý nghĩa như các bạn trẻ trong nhóm thiết kế phần mềm “Nghĩa trang liệt sĩ online” ở Thái Nguyên hay cô sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Thị Lan đã cùng bạn bè “đền ơn đáp nghĩa” qua những việc làm thiết thực như chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng...
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, đến nay, cả nước đã quy tập được trên 910.000 hài cốt liệt sĩ, an táng trong gần 3.000 nghĩa trang liệt sĩ. Các nghĩa trang liệt sĩ được quy hoạch, đầu tư xây dựng và tôn tạo trở thành những công trình văn hóa - tâm linh vừa tưởng nhớ các liệt sĩ vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… |
Tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2012), sáng 26-7, đoàn đại biểu Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Dự lễ dâng hương tưởng niệm có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng... Tiếp đó, đoàn đại biểu BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. * Cùng ngày, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đoàn lãnh đạo TP đã đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè (SN 1921), mẹ Lê Thị Lượng (SN 1923) và mẹ Nguyễn Thị Kiều (SN 1919) trên địa bàn quận 1 - TPHCM. Ông Lê Thanh Hải đã ân cần thăm hỏi sức khỏe, điều kiện sinh sống của các mẹ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh to lớn của các mẹ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của đất nước. Đoàn lãnh đạo TPHCM do ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, dẫn đầu đã đến thăm hỏi, tặng quà hai bà mẹ Việt Nam anh hùng tại quận Bình Thạnh là mẹ Nguyễn Thị Bê, mẹ Phạm Thị Quỳnh và thăm mẹ Lại Thị Khuỳnh tại thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa - Long An. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM, đã đến thăm hỏi, động viên Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (ở quận Bình Thạnh - TPHCM)... B.T.D - Ph.Anh |
Bình luận (0)