“Thánh chiến quân” đã đến
Tại Bab al-Hawa, một tiền đồn Syria ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ bị quân FSA bao gồm phần lớn là lính Syria đào ngũ đánh chiếm hồi tuần rồi, người ta chứng kiến nhiều nhóm “thánh chiến quân” Sunni không phải là người Syria lần lượt đến. Họ giải thích “chúng tôi đến đây để chiến đấu chống kẻ thù chung là chế độ Tổng thống Bashar al-Assad”.
Nếu Damascus sụp đổ, Tổng thống al-Assad có thể thành lập quốc gia Alawi. Ảnh: REUTERS
Họ nói như vậy nhưng với động cơ hoàn toàn khác quân “cách mạng” địa phương. Nếu FSA khẳng định rằng họ đổ máu để lật đổ chế độ độc tài Bashar al-Assad thì “thánh chiến quân” nói thẳng họ đến để loại bỏ quyền lực Alawi mà Bashar al-Assad là đại diện. Người Alawi bị người Sunni miệt thị là bỏ đạo theo dị giáo.
Thánh chiến quân nước ngoài nói họ đến từ Algeria, Morocco, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ai Cập, Libya và Tunisia. Một số người còn nói họ là người Somalia hoặc Chesnia vốn ở rất xa Syria.
Có bao nhiêu “thánh chiến quân” đến Syria? Không ai có thể thống kê. Một phần do các thủ lĩnh FSA không thừa nhận vai trò của chiến binh thánh chiến trong cuộc cách mạng mà họ cho là vì dân chủ, dân sinh. Chẳng hạn như Abu Ammar, một thủ lĩnh quân nổi dậy ở tỉnh Hama, người tự xưng dưới trướng có 1.200 quân, dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi không bao giờ để Al-Qaeda có mặt ở đây. Chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng nếu dám bén mảng tới đây. Cuộc cách mạng này thuộc về nhân dân Syria”.
Tuy nhiên, có nhiều sự kiện “đính chính” một cách hùng hồn tuyên bố của Ammar. Nhóm thánh chiến Fatah al-Islam, có quan hệ với Al-Qaeda, từng nhận trách nhiệm tấn công quân xa Syria ở tỉnh Aleppo “tiêu diệt 30 tên Alawi”, theo thông báo ngày 18-6 vừa qua.
Viện Nghiên cứu chiến tranh, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn Mỹ, cũng thống kê, từ tháng 12-2011 đến nay có 35 vụ đánh bom xe chính phủ Syria và 10 vụ đánh bom tự sát mang dấu ấn Al-Qaeda, trong đó có 4 vụ do Mặt trận Nusra của Al-Qaeda nhận trách nhiệm. Vụ đánh bom ngày 18-7 giết chết 4 quan chức cao cấp Chính phủ Syria là một vụ điển hình.
Quốc gia Alawi?
Cách đây một thế kỷ, cộng đồng thiểu số người Alawi di chuyển từ nông thôn nghèo khó ở vùng núi ven biển phía Đông Địa Trung Hải vào thủ đô Damascus chiếm lấy quyền lực cai trị đất nước Syria. Ngày nay, chế độ tổng thống Bashar al-Assad bị quân nổi dậy đe dọa, dãy núi nói trên có thể trở thành thành lũy cuối cùng của cộng đồng người Alawi khi người Sunni chiếm số đông trong lực lượng nổi dậy tràn vào thủ đô.
Cờ Al-Qaeda xuất hiện ở tỉnh Aleppo tuần qua. Ảnh: W.M
Cuộc thảm sát dân làng Houla hồi tháng 5 và dân làng Qubeir hồi tháng 6 được quân nổi dậy và truyền thông phương Tây cho là do Chính phủ Syria muốn thành lập vùng đất riêng biệt của người Alawi trong lòng Syria. Hai làng vừa kể của người Sunni nằm lọt thỏm giữa 2 thị trấn người Alawi và dọc con đường chính đến “quê cha, đất tổ” người Alawi.
Chế độ Damascus chưa sụp đổ nhưng theo hãng tin Reuters, hàng trăm ngàn người Alawi từ các thành phố đang có chiến tranh như Homs đã bắt đầu di chuyển về Tartous và Latakia, 2 tỉnh của người Alawi chiếm trọn vùng duyên hải. Ở thành phố Tartous có một trạm tiếp tế của hải quân Nga, một đồng minh của chính quyền al-Assad.
Cuộc chuyển động dân số nói trên làm nảy sinh tin đồn Tổng thống al-Assad và bộ sậu gồm những quan chức cao cấp trong chính quyền và quân đội người Alawi có thể trở về đất tổ, thành lập một quốc gia trong quốc gia mang tên Alawi, chờ ngày phục thù người Sunni.
Một kịch bản tồi tệ
Tin đồn trên càng nóng khi quân nổi dậy tung tin ông al-Assad đã âm thầm rút về thành phố cảng Latakia sau vụ đánh bom ngày 18-7. Tin đồn này không được xác nhận và theo tin tình báo Israel, al-Assad và gia đình vẫn còn ở thủ đô. Rút khỏi Damascus lúc này, đối với al-Assad, chẳng khác nào thú nhận bại trận trong một cuộc chiến mà ông quyết tâm chiến thắng bằng mọi giá, theo Reuters.
Điều gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện một nước Alawi trong lòng Syria? Theo nhận định của hãng tin Mỹ AP, đó sẽ là một kịch bản tồi tệ cho các nước Trung Đông sau 17 tháng người dân Syria nổi dậy chống lại chính quyền al-Assad. Âm mưu thành lập một quốc gia trong quốc gia có thể kích hoạt một làn sóng chém giết giữa các phe phái của đạo Hồi, đặc biệt giữa phái Sunni và phái Alawi, một nhánh của phái Shia, ảnh hưởng rất xấu đến một vùng đất đa tôn giáo, đa sắc tộc và đa bộ lạc luôn luôn có khuynh hướng ly khai.
Bình luận (0)