Mặc dù cơ quan chức năng đã công bố cái chết của con bò tót đi lạc vào sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) là do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính là do nó bị bệnh từ trước. Tuy nhiên, dư luận vẫn không hoàn toàn hài lòng vì cho rằng con bò tót đã “chết oan” do trình độ cứu hộ còn quá yếu kém, trang thiết bị thiếu thốn.
Chỉ có một trung tâm cứu hộ đúng nghĩa
Con bò tót ở sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đã chết sau khi được cứu hộ. Ảnh: QUANG NHẬT
Theo ông Tùng, hiện Việt Nam chỉ có một nơi được gọi là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tổng hợp, đóng tại huyện Sóc Sơn - Hà Nội. Tuy nhiên, kinh phí để duy trì hoạt động của trung tâm này do TP Hà Nội lo nên cũng èo uột. Trong khi đó, một số trung tâm khác mới chỉ dừng lại ở cứu hộ chuyên ngành như cứu hộ linh trưởng, rùa… “Trước đây, dùng ống tre thổi tiêu để gây mê, hiện vài nơi đã có súng nhưng cũng chỉ là loại đã lạc hậu” - ông Tùng cho biết.
Chuyên môn chỉ ở... gia cầm, gia súc
Ông Đỗ Quang Tùng nhận định tinh thần làm việc của lực lượng cứu hộ con bò tót nói trên là rất cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có thể mắc sai sót. “Hiện nay, các bác sĩ thú y ở Việt Nam chủ yếu được đào tạo từ các trường đại học trong nước nên chỉ có chuyên môn ở vài loài gia cầm (gà, vịt…) hay gia súc (heo, bò, trâu…). Trong khi đó, nước ta có hơn 300 loài thú và 800 loài chim nên có hạn chế trong việc cứu hộ động vật hoang dã” - ông Tùng nhận định.
Theo ông Tùng, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam vừa có báo cáo đánh giá về năng lực cứu hộ động vật hoang dã của Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này cũng đang lên đề án xây dựng các trung tâm cứu hộ theo hướng sẽ đầu tư thêm một số mạng lưới cứu hộ hiện đại ở các vùng, miền.
Phát động chống săn bắn động vật hoang dã Ông Văn Ngọc Thịnh, quản lý chương trình bảo tồn, Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã thế giới (WWF) ở Việt Nam, cho biết kể từ khi có mặt tại Việt Nam, cơ quan này đã nỗ lực hỗ trợ cho các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường công tác bảo tồn những loài động vật quý hiếm nhưng nguy cơ tuyệt chủng vẫn xảy ra với tê giác và đang rình rập một số loài khác. Theo ông Thịnh, năm nay, WWF sẽ phát động một chiến dịch toàn cầu chống lại săn bắn và buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam cũng sẽ tham gia chiến dịch này với tiêu điểm là giảm tiêu thụ sừng tê giác. “Việt Nam nên xem xét lại khung hình phạt đối với loại tội phạm này và ngay lập tức ngăn chặn thị trường tiêu thụ, bao gồm cả việc dỡ bỏ quảng cáo bán sừng tê giác trên internet” - ông Thịnh kiến nghị.
B.Diệp |
Thêm một trạm cứu hộ động vật hoang dã Ngày 27-7, Tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã (WAR - tổ chức phi chính phủ) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TPHCM và tỉnh Kiên Giang, tổ chức đưa vào hoạt động Trạm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hòn Me với tổng diện tích gần 3 ha nằm trên địa bàn huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Đây là địa điểm cứu hộ các loài ĐVHD quý hiếm trong vùng ĐBSCL do cán bộ của WAR phụ trách. Hiện nơi đây đang cứu hộ gần 50 cá thể ĐVHD quý hiếm thuộc loài khác nhau như gấu ngựa, gấu chó, vượn đen má vàng, khỉ đuôi lợn... Trạm Cứu hộ ĐVHD Hòn Me thuộc hệ thống 3 trạm cứu hộ ĐVHD do WAR quản lý tại Việt Nam (Trạm Cứu hộ ĐVHD Củ Chi, Trạm Cứu hộ gấu và thú họ mèo Cát Tiên).
L.Trang |
Bình luận (0)