Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM (bìa phải), ngân hàng cần có nhiều giải pháp hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Ảnh: Hồng Thúy
Có biện pháp với ngân hàng thiếu tích cực
Theo ông Nguyễn Văn Bình, do việc giảm lãi suất cho vay cũ chỉ là lời kêu gọi các NH thương mại hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) nên NH Nhà nước không ban hành văn bản. Trong khi đó, các NH đã cho vay mới với lãi suất 15%/năm trở xuống. Nếu NH Nhà nước có văn bản áp đặt lãi suất cho vay cũ xuống 15%/năm thì sẽ không có ý nghĩa với thị trường lẫn hiệu lực pháp lý, vì DN và NH đã thực thi hợp đồng vay vốn. Tuy nhiên, NH thương mại nào thiếu tích cực hạ lãi suất, NH Nhà nước sẽ ghi “điểm” âm và có biện pháp thích hợp.
Tại hội nghị, đại diện của Hiệp hội Cơ khí TPHCM cho biết: Hiện nay, các DN ngành cơ khí vẫn chưa tiếp cận được mức lãi suất 13%/năm theo đúng quy định cho đối tượng ưu tiên. Đại diện Tổng công ty Bến Thành cho hay trước đây, DN đã vay với lãi suất trên 18%/năm, trong khi kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên không trả được nợ. Do đó, NH Nhà nước cần có giải pháp để các NH thương mại nới lỏng hơn nữa các điều kiện khoanh, dãn nợ.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, một số NH đã giảm lãi suất, phối hợp với chính quyền TPHCM hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu. Vì thế, UBND TPHCM mong muốn các NH có chính sách, lựa chọn đối tượng, từ đó đưa ra nhiều giải pháp hơn nữa để hỗ trợ DN tiếp cận vốn.
Để kết nối và hỗ trợ vốn cho DN, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH Đông Á (DongABank), cho biết từ tháng 8-2012, DongABank sẽ giảm lãi suất cho vay xuống 15%/năm cho các DN bất động sản. Tuy nhiên, nhóm DN này phải kết hợp với NH, giảm giá bán căn hộ để NH cho người dân vay vốn mua nhà với lãi suất 12%/năm.
Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cũng cho biết đã khoanh, dãn nợ cho 630 DN với số vốn 3.620 tỉ đồng để họ tiếp cận vốn vay mới. Mặt khác, Eximbank đã triển khai chương trình cho vay 5.000 tỉ đồng có bảo hiểm biến động tỉ giá 1%, lãi suất 10%/năm. Tuy nhiên, ông Phước cho rằng lãi suất không phải là nguyên nhân chính làm tăng chi phí của DN bởi Eximbank đã tiến hành khảo sát khách hàng của mình, kết quả cho thấy lãi suất chỉ chiếm 24% chi phí của DN, phần còn lại là chi phí hàng tồn kho. Do đó, ngoài việc hạ lãi suất thấp, Nhà nước cần có giải pháp làm tăng sức mua mới giải quyết những khó khăn của DN.
Lãi suất cho vay có thể xuống còn 10%/năm Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng NH Nhà nước và DN đều mong muốn mặt bằng lãi suất sẽ giảm thêm để DN giảm giá thành sản phẩm, nền kinh tế có điều kiện phát triển. Nếu lạm phát năm 2012 là 7% thì lãi suất tiền gửi sẽ xuống còn 8%/năm, kéo lãi suất cho vay giảm theo. Đến quý II và quý III/2013, nếu kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát từ 4% đến 6% thì lãi suất tiền gửi sẽ giảm còn 7%/năm, khi đó lãi suất cho vay sẽ xuống còn 10%/năm. Thế nhưng, điều này có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô và sự nỗ lực vượt khó của các thành phần kinh tế. |
Bình luận (0)