Theo nguồn tin tờ The Washington Post, ông Bạc Hy Lai hiện bị quản thúc tại nhà, chưa biết sắp tới số phận sẽ ra sao. Ông bị bắt hồi tháng 4-2012 cùng một ngày với Cốc phu nhân nhưng với tội trạng khác nhau.
Xử lý nội bộ ?
ông Bạc Nhất Ba (ảnh sau) năm 2007. Ảnh: REUTERS
Cơ quan quản lý hồ sơ vụ án ông Bạc là Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng do ông Chu Vĩnh Khang làm chủ nhiệm. Vị tướng về hưu này, người đang giữ vị trí thứ 9 trong ban lãnh đạo đảng, được cho là người ủng hộ ông Bạc. “Mô hình Trùng Khánh” của ông Bạc cũng từng được ông Chu ca ngợi. Cho nên, theo ông Lưu Hiểu Yến, một luật gia ở Bắc Kinh, không chắc ông Bạc sẽ bị xét xử tại một tòa án nào đó mà sẽ bị đảng xử lý nội bộ.
Ông Trương Minh, giáo sư Khoa Chính trị học Trường ĐH Bắc Kinh, nhận định: “Không lý gì vụ án Bạc Hy Lai lại để Bộ Chính trị mới xử lý. Tôi cho rằng hiện giờ họ đã định đoạt số phận họ Bạc trong đảng rồi. Còn bây giờ họ cần giải quyết vụ án ở ngoài đảng”.
Nếu nhận định của giáo sư Trương là chính xác thì chuyện đem vợ ông Bạc ra xét xử trong lúc này chính là “giải quyết ở ngoài đảng” vụ án họ Bạc. Bằng cách đó, dư luận bị thu hút vào vụ án mà quên đi vụ án ông Bạc.
Hình phạt nào cho Cốc phu nhân?
Câu hỏi nóng bỏng hiện nay là bị cáo Cốc Khai Lai sẽ bị kết án như thế nào? Phạm tội cố sát ở Trung Quốc, các bị cáo thường bị tuyên án từ 10 năm đến chung thân và trong những trường hợp nghiêm trọng thì bị xử tử hình.
Tòa án Nhân dân Trung cấp Hợp Phì, tỉnh An Huy, nơi xử án Cốc phu nhân. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tuy nhiên, vụ án bà Cốc Khai Lai rất đặc biệt nên có thể có nhiều kịch bản. Theo ông Lý Phương Bình, một luật gia có tiếng ở Bắc Kinh, nếu bà Cốc Khai Lai và Trương Hiểu Quân bị kết tội cố sát, cả 2 sẽ bị tử hình.
Tuy nhiên, bị cáo có thể được giảm xuống còn chung thân nếu mắc bệnh tâm thần. Về điểm này, Tờ The Washington Post dẫn nguồn tin thân cận gia đình bà Cốc Khai Lai cho biết trong 3 năm qua, bà Cốc ở nhà chữa bệnh suy nhược thần kinh, không còn làm việc, ít khi đi đâu và không liên lạc với ai cho đến ngày bị cảnh sát bắt. Bà sống ẩn dật với bà mẹ 90 tuổi Phạm Thành Tú ở Trùng Khánh.
Giả thuyết nói trên của ông Lý không phải không có cơ sở. Trước khi chính quyền tuyên bố chính thức khởi tố vụ án, nguồn tin thân cận cơ quan điều tra cho biết bà Cốc giết Neil Heywood vì ông này dọa tiết lộ chuyện gia đình họ Bạc chuyển tiền trái phép ra nước ngoài. Nhưng sau đó, bà Cốc chính thức bị buộc tội giết người vì Heywood đe dọa tính mạng con trai bà là Bạc Qua Qua do xung đột lợi ích kinh tế. Một động cơ cho thấy tâm thần bà Cốc bất ổn và có dấu hiệu mắc bệnh hoang tưởng.
Thậm chí, nếu có lãnh án tử hình đi nữa thì bà Cốc cũng có thể được hưởng chế độ hoãn thi hành án 2 năm, một đặc ân của Trung Quốc, thường được chuyển qua án chung thân nếu bị cáo không cố tình phạm thêm tội gì khác trong thời gian hoãn án. Cộng thêm tình tiết mắc bệnh hoang tưởng, bản án cuối cùng cho bà Cốc có thể chỉ còn 15 năm.
Bình luận (0)