* Phóng viên: Việc Trung Quốc có động thái hối thúc 23.000 tàu cá ra biển Đông và đến khai thác tại Trường Sa, Hoàng Sa sẽ gây ảnh hưởng lớn như thế nào đối với ngư dân Việt Nam, thưa ông?
- Ông Trần Cao Mưu: Có thể khẳng định đây là một cuộc xâm lược bằng tàu cá của Trung Quốc. Hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam; gây cản trở, khó khăn đến việc khai thác của ngư dân Việt Nam trong ngư trường thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Không chỉ xâm phạm chủ quyền và ảnh hưởng đến ngư trường của Việt Nam mà tàu cá, tàu kiểm ngư Trung Quốc còn đe dọa tấn công, đập phá tàu cá và ngư cụ, thiết bị trên tàu của ngư dân ta. Ngoài ra, họ còn xua đuổi ngư dân ta ra khỏi vùng biển là ngư trường truyền thống của Việt Nam… Mỗi lần tấn công như vậy, một tàu cá của ngư dân Việt Nam thiệt hại trung bình 120 triệu đồng.
* Phải chăng đây không đơn thuần là chuyện khai thác mà xuất phát từ động cơ chính trị?
- Đúng như vậy. Mưu đồ bành trướng, bá quyền và tham vọng “đường lưỡi bò” đã được Trung Quốc thể hiện rõ qua hành động xua tàu cá số lượng lớn xuống biển Đông, chứ không đơn giản là khai thác hải sản. Đây không chỉ là mối đe dọa đối với Việt Nam mà còn đe dọa các nước khác trong ASEAN.
* Trước hành động ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế như thế, theo ông, chúng ta cần phải có biện pháp đối phó như thế nào?
- Trong tuyên bố ngày 2-8, Hội Nghề cá Việt Nam đã kiến nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành chức năng cần thể hiện thái độ kịch liệt lên án và phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược và bất chấp luật pháp, đạo lý này của phía Trung Quốc. Nếu tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam thì lực lượng chức năng có quyền bắt giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)