xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chẩn đoán một đằng, kết quả một nẻo

ANH THƯ - NGỌC DUNG

Đã xảy ra nhiều vụ bi hài: Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sẽ tử vong nhưng bệnh nhân vẫn sống bình thường; bác sĩ kết luận “hết thuốc chữa” nhưng bệnh nhân vẫn hồi phục sức khỏe

Vụ bệnh nhân Trần Miễn (79 tuổi, ngụ TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã hồi phục sức khỏe sau 2 lần bị chẩn đoán… sắp chết sau cơn nhồi máu cơ tim ngày 25-7 tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đang được dư luận rất quan tâm.
Theo ý kiến của hầu hết các bác sĩ (BS), nếu đúng ông Miễn bị nhồi máu cơ tim như chẩn đoán ban đầu thì bệnh nhân vẫn có khả năng vượt qua và hồi phục dù không được can thiệp y tế kịp thời. Tuy nhiên, khả năng này khá thấp.

Chủ yếu do tay nghề bác sĩ kém!

BS Đỗ Hoàng Giao, Phó Ban Thường trực Ban Bảo vệ sức khỏe Thành ủy TPHCM, nguyên giám đốc BV Nhân dân Gia Định, cho biết: Bệnh nhân nhồi máu cơ tim nếu không được can thiệp y tế kịp thời thì tỉ lệ tử vong là 50% - 60%.

BS Giao cũng lưu ý đến chi tiết lần đo huyết áp thứ hai, BS vội buông xuôi sau khi đo huyết áp của bệnh nhân được kết quả 6/4 và lúng túng không lấy ven để truyền nước được. “Huyết áp 6/4 là thấp nhưng chưa thấp đến mức trụy tim mạch nên không thể nghĩ là bệnh nhân sắp chết được” - ông nói.
img

Ông Trần Miễn hiện rất tỉnh táo sau khi bị bác sĩ chẩn đoán nguy cơ tử vong đến 97%. Ảnh: TỬ TRỰC

Theo BS Giao, tình trạng bệnh nhân đã được tiên lượng tử vong nhưng cuối cùng vẫn hồi phục thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Đây có thể là một sự hồi phục bất ngờ hoặc do trình độ của BS, dẫn đến tiên lượng không chính xác.

PGS - TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cho rằng việc chẩn đoán một đằng nhưng kết quả một nẻo là do tay nghề của BS kém. Thực tế, BV Việt Đức đã từng cấp cứu nhiều trường hợp ở BV tuyến dưới chẩn đoán “hết cách chữa” hoặc “về nhà chờ chết”, thế nhưng, may mắn là bệnh nhân vẫn qua khỏi.

Nhiều ca hy hữu

Theo BS Phạm Lực, Trưởng Khoa Hồi sức - Chống độc BV Phạm Ngọc Thạch (TPHCM), để xác nhận một bệnh nhân đã tử vong hay chưa phải dựa vào nhiều yếu tố: mạch và huyết áp bằng 0, biểu thị trên điện tâm đồ chỉ còn là một đường thẳng, bệnh nhân hoàn toàn mất ý thức, đồng tử dãn tối đa.
Trong hồi sức cấp cứu, khi bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở thì các BS vẫn phải tiếp tục cố gắng hồi sinh tim, phổi bằng cách bóp bóng, sốc điện, xoa bóp tim, ngoài lồng ngực… ít nhất 30 phút nữa, nếu tim, phổi vẫn không hoạt động trở lại thì mới có thể kết luận bệnh nhân tử vong.
“Cách đây vài năm, chúng tôi đã phải thực hiện hồi sức tích cực cho một cô gái mới 20 tuổi suốt từ hơn 21 giờ cho đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Cô gái nhập viện trong tình trạng ho ra máu, tắc nghẽn phế quản, ngưng tim. Sau ít phút cấp cứu, hoạt động tim, phổi của cô gái hồi phục nhưng khi các BS gắn máy thở thì cô đột ngột ngưng tim trở lại.
Tình trạng này lặp đi lặp lại đến hơn chục lần, sau 4-5 giờ được ê kíp cấp cứu “đánh vật” thì tình trạng tim, phổi của cô mới ổn định trở lại. Điều kỳ lạ là cô gái sớm tự thở được chỉ một lúc sau đó và đến sáng hôm sau thì hoàn toàn tỉnh táo!” - BS Lực kể.
TS-BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, cũng kể lại một ca cấp cứu hy hữu: Cậu bé 14 tuổi bị điện giật được hồi sinh tim, phổi suốt 2 giờ vẫn không có kết quả. Ông được mời vào để hoàn tất thủ tục, xác nhận bệnh nhân đã tử vong. “Tôi kiểm tra thì thấy đồng tử của cậu bé đã dãn nhiều nhưng chưa méo, lại thấy cậu bé còn quá nhỏ, chỉ bằng tuổi con trai tôi nên tôi muốn thử lần nữa” - BS Huy kể. Thế là cậu bé hồi sinh một cách bất ngờ”.
Sau này, BS Huy tìm hiểu thì được biết trong gần 2 giờ trên xích lô đến BV, cậu bé đã may mắn được ép tim, thổi ngạt liên tục. Điều đó cộng với sự cố gắng của các BS và cả may mắn nữa đã giúp tạo nên sự kỳ diệu.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng 1 - TPHCM, cho biết: Có những trường hợp thời gian hồi sức tích cực được kéo dài, ví dụ như trong bệnh tay chân miệng. Với bệnh này, nhiều ca trẻ đột ngột ngưng tim, ngưng thở và các BS đã phải ép tim hàng giờ  mới đem sự sống về được cho các bé.

VỤ “BÁC SĨ CHẨN ĐOÁN TỬ VONG, BỆNH NHÂN VẪN KHỎE MẠNH” Ở QUẢNG NGÃI

Các bên liên quan phủ nhận

Liên quan đến bệnh nhân Trần Miễn - người được chẩn đoán tử vong nhưng khi về nhà vẫn khỏe mạnh, chiều 3-8, BS Trịnh Quang Diêu, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, cho biết ông Trần Miễn nhập viện ngày 25-7 với lý do đau ngực và được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim. Đến ngày 29-7, thấy bệnh nhân khó thở nên các BS chuyển ông xuống Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Đến sáng 30-7, huyết áp của ông Miễn được cải thiện, được tiếp tục điều trị theo phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim. “Trong quá trình điều trị bệnh nhồi máu cơ tim ở khoa, các BS có tiên lượng trường hợp của ông Miễn rất nặng để người nhà của bệnh nhân biết. Đến 14 giờ ngày 30-7, người nhà ông Miễn xin đưa ông về nhà, dù các y, BS động viên để ông ở lại để tiếp tục điều trị” - ông Diêu cho biết. Trong khi đó, BS Nguyễn Thanh Trang (BS điều trị Khoa Nội tim mạch - nơi lần thứ hai ông Miễn nhập viện) cũng phủ nhận việc hối thúc đưa bệnh nhân này về nhà chờ chết như lời người nhà bệnh nhân kể.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 3-8, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám - chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết cục sẽ có văn bản yêu cầu BV Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi làm rõ trách nhiệm của các nhân viên y tế trong vụ việc này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo