VietJet Air đang tính toán để mở các đường bay quốc tế
Rục rịch khởi động
Ngay khi nộp hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp, Công ty CP Hàng không VietJet Air đã đăng ký vốn pháp định 500 tỉ đồng, đạt ngưỡng quy định của một hãng hàng không bay quốc tế. Hãng này hiện có các đường bay từ Hà Nội/TPHCM đến Đà Nẵng, Nha Trang và sẽ sớm mở thêm các đường bay khác đến Đà Lạt, Hải Phòng… Ngay trong năm đầu tiên vận hành, VietJet Air đã đặt mục tiêu khai thác 5.000 chuyến bay nội địa, chuyên chở 700.000 - 800.000 hành khách với đội bay từ 5-6 máy bay A320.
Sau nửa năm gia nhập thị trường nội địa, đến nay VietJet Air đã bước đầu xây dựng được thương hiệu và đang khởi động các đường bay quốc tế. Cục Hàng không Việt Nam cho biết VietJet Air đăng ký và được cấp quyền vận chuyển khai thác đường bay từ Hà Nội - TPHCM đi Bangkok từ năm ngoái. Tuy nhiên, kế hoạch này đã thay đổi. Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJet Air, cho biết kết quả nghiên cứu thị trường mới đây cho thấy đường bay này rất tấp nập nhưng đã quá quen thuộc. Do đó, hãng sẽ nghiên cứu khả năng mở đường bay đến Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là thị trường tiềm năng và cũng được đánh giá là vừa sức với VietJet Air. Dự kiến cuối năm nay, hãng sẽ khởi động đường bay quốc tế đầu tiên với dịch vụ bay đường dài không có ghế hạng thương gia.
Chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể nhưng ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không tư nhân Air Mekong, tuyên bố: “Mục tiêu trọng tâm của Air Mekong trong các năm tới là tham gia sâu rộng vào thị trường hàng không nội địa và quốc tế với hiệu quả cao”. Được cấp phép cuối năm 2008, Air Mekong có vốn pháp định 200 tỉ đồng, chỉ được khai thác ở thị trường nội địa nhưng tháng 6 vừa qua, hãng hàng không này đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Theo đó, nhà đầu tư mới sẽ góp 11% vốn điều lệ vào Air Mekong để góp phần tăng vốn lên 600 tỉ đồng. Đây là mức vốn điều lệ đủ cho một hãng hàng không có đường bay quốc tế.
Sẽ cạnh tranh quyết liệt
Ở thị trường gần, các hãng hàng không tư nhân Việt Nam có năng lực khai thác nhưng cạnh tranh rất khốc liệt. Nóng nhất là các đường bay đến Singapore, Bangkok đều đã có đủ mặt anh tài. Chẳng hạn, đường bay Hà Nội/TPHCM - Singapore đã có sự hiện diện của Singapore Airlines, Tiger Airways, Jetstar Asia, Lion Air, Silk Air… Còn đường bay Bangkok cũng đã có các tên tuổi như Thai Airways, Thai AirAsia, Lufthansa, Turkish Airlines, Tunisia Airlines… Luồng khách rất tốt nhưng không phải hãng nào cũng trụ được. Cách đây 2 năm, đường bay đến Bangkok liên tục có hãng đăng ký mở đường bay nhưng không ít hãng đã phải rời bỏ thị trường vì không chịu được lỗ. Còn ở thị trường xa, các hãng hàng không tư nhân vẫn chưa thể vươn tới.
VNA có 27 đường bay quốc tế
Hiện Việt Nam mới chỉ có Vietnam Airlines (VNA) bay quốc tế với mạng bay tính đến tháng 6-2012 là 27 đường bay. Nếu tính cả đường bay hòa mạng với Liên minh Hàng không toàn cầu SkyTeam, VNA có thể đưa khách đến hơn 900 điểm đến thuộc 169 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mục tiêu của VNA là mở đường bay thẳng đến châu Mỹ và châu Phi để phủ kín mạng bay toàn cầu. VNA cũng đã chính thức nộp đơn xin bay đến Mỹ nhưng sau đó phải rút lại vì tự đánh giá chưa đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu của Cục Hàng không Liên bang Mỹ. |
Bình luận (0)