Nhiều bất cập
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cho biết trong 7 năm (2004 - 2011), TPHCM đã ban hành 31.341 quyết định hành chính trong quản lý đất đai. Trong đó, số quyết định hành chính bị khiếu nại, tố cáo là 5.059 quyết định (tỉ lệ 18%). Trong số này có 3.772 hộ khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Kết quả, TP đã giải quyết được 3.597 quyết định, chiếm tỉ tệ 71,1%.
Một thành viên đoàn giám sát lo ngại nếu nhìn vào tỉ lệ phần trăm là không đáng kể nhưng tương ứng với con số hơn 5.000 quyết định bị khiếu nại quả là không ổn. Trả lời về vấn đề này, ông Đào Anh Kiệt cho rằng người dân mong muốn được đền bù, bồi thường thỏa đáng, tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng hợp lý và có cơ sở.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho rằng chính sách bồi thường vẫn còn bất cập. Nghị định 69 quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân với mức từ 1-5 lần giá đền bù, trong khi đối tượng khác (công nhân, cán bộ) dù cũng bị thu hồi đất thì không được hưởng mức hỗ trợ này. Ngoài ra, giá bồi thường đất nông nghiệp đối với dự án do Nhà nước thu hồi đất thường từ 200.000 - 250.000 đồng/m2 trong khi cũng dự án này nhưng tư nhân chủ động thỏa thuận với người bị thu hồi đất thì giá đền bù có thể lên 5 - 8 triệu đồng/m2.
Kiến nghị sửa Luật Đất đai
Một trong những tồn tại được lãnh đạo TPHCM nhìn nhận là tình trạng đơn thư khiếu nại tồn đọng chưa được khắc phục; việc theo dõi, cập nhật hồ sơ khiếu nại chưa khoa học nên chưa trả lời kịp thời cho công dân về tiến độ giải quyết. TP cũng cho biết công tác hòa giải ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương không bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm đảm nhiệm công việc này nên việc hòa giải đạt hiệu quả chưa cao. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, khiếu kiện kéo dài.
Với những bất cập như hiện nay, UBND TP đã kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó UBND TP đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án sau: dự án sử dụng vốn ngân sách (không phân biệt mục đích); dự án xã hội hóa về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội; dự án chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn; dự án có vốn đầu tư nước ngoài 100%; dự án phát triển đô thị có quy mô lớn được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Thanh tra nhiều dự án của quận Tân Bình và Bình Tân Ngày 8-8, Thanh tra TPHCM đã công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra để thanh tra việc thực hiện dự án khu nhà ở do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Bình làm chủ đầu tư. Đoàn sẽ tập trung làm rõ việc thực hiện cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục thành lập dự án; bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân và việc phân lô bán nền, các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước… Thanh tra TP cũng thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng Trường THCS Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông) và dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở phục vụ tái định cư cho các hộ dân trong KCN Tân Tạo mở rộng tại phường Tân Tạo A do Công ty Cổ phần KCN Tân Tạo làm chủ đầu tư. T.Hồng |
Bình luận (0)