Hôm 6-5, một nữ hành khách 40 tuổi đi trên chuyến bay JV8647 của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air quá bức xúc vì bị hoãn chuyến nhiều lần đã tuyên bố: “Bây giờ toàn bộ hành khách không đi nữa, ai mà đi thì tôi cho nổ mìn”. Lập tức, bà bị lập biên bản vi phạm, phạt tiền và cấm bay 3 tháng.
“Thủ phạm” chính: Dự báo thời tiết sai
Tất nhiên, lỗi thuộc về hành khách không giữ được bình tĩnh nhưng nguyên nhân dẫn đến vi phạm lại xuất phát từ việc sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM hôm đó phải đóng cửa để đón chuyên cơ - lý do này thuộc danh mục không được thông báo. Hãng bay cũng không chủ động được lịch khai thác, vẫn để hành khách lên xe buýt ra máy bay rồi phải quay lại khiến họ “lên ruột”.
Trong nhiều lý do gây chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam gần đây, có nguyên nhân quan trọng từ dự báo thời tiết không chính xác. Thống kê của Cảng vụ Hàng không Miền Nam cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2012, có 4.085 lượt chuyến bị chậm giờ, trong đó 242 lượt chuyến chậm giờ vì thời tiết xấu. Ngoài ra, 603 chuyến bay còn bị hủy, trong đó 257 chuyến vì thời tiết xấu.
Số liệu thống kê chung của cả nước cũng cho thấy số lượng chuyến bay bị chậm, hủy trong 6 tháng đầu năm do nguyên nhân thời tiết khá cao. Theo phản ánh của các hãng hàng không, nhiều chuyến bay bị chậm, hủy “oan” vì dự báo thời tiết sai hoàn toàn. Chẳng hạn hôm 1-4, ngành khí tượng thủy văn và hàng không đều dự báo bão đổ bộ TPHCM trong khoảng 13 giờ đến 18 giờ nhưng thực tế, cơn bão đổ bộ vào TPHCM từ 17 giờ đến 20 giờ cùng ngày. Hậu quả là có 15 chuyến bay phải chuyển sân.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, đã có 38 chuyến bay nội địa phải chuyển sân, trong đó 52% phải chuyển sân “oan” vì dự báo thời tiết sai.
Hãng hàng không cũng có trách nhiệm
Trong nhiều nguyên nhân gây chậm giờ của các chuyến bay, ngoài lý do khách quan như thời tiết, lỗi kỹ thuật… cũng còn chuyện do con người hoặc hãng hàng không chủ động dồn chuyến. Hôm 2-7, chuyến bay VJ8852 của VietJet Air từ Cam Ranh đi Hà Nội để “lọt” 8 khách có chỗ, đã gửi hành lý nhưng chưa lên máy bay. Tổ bay không kiểm tra, giám sát việc đồng bộ hàng hóa, nhân viên mặt đất vừa nhận công tác chưa thạo việc nên máy bay ra đến đầu đường băng mới phát hiện thiếu khách. Cuối cùng, hành lý được “bay” đúng giờ nhưng chủ nhân của nó lại phải ứng trước tiền mua vé hãng khác để về Hà Nội nhận lại!
Đối với hãng ít máy bay, việc khắc phục sự dồn khách do hoãn, hủy chuyến rất khó khăn do buộc phải khai thác theo lịch trình, không “đảo” được phương tiện. Ngày 6-8, Air Mekong hoãn chuyến bay Hà Nội – Phú Quốc từ sáng sớm do thời tiết. Đến 9 giờ, thời tiết tốt lên, hoạt động bay trở lại bình thường nhưng 90 khách vẫn phải chờ đến 15 giờ 30 phút mới được bay vì máy bay đó phải bay tuyến Hà Nội - TPHCM rồi quay ra.
Bảo đảm an toàn, hiệu quả Trung tâm điều hành của VNA được thiết lập để làm 2 nhiệm vụ: Bảo đảm khai thác an toàn tuyệt đối và hiệu quả kinh tế nhất. Cho nên, trong một số trường hợp thời tiết không thuận lợi, các hãng khác vẫn quyết định bay dựa vào khuyến cáo của trung tâm khí tượng và không lưu nhưng VNA không cất cánh vì phi công không được quyền quyết định, trung tâm điều hành sẽ yêu cầu hoãn lại để bảo đảm ngăn chặn mất an toàn từ xa. Đối với trường hợp dồn chuyến, bộ phận quản trị doanh thu VNA phải chốt kế hoạch bay từ 17 giờ hôm trước. Nếu thấy các chuyến bay vắng khách, hãng có thể chủ động thay đổi kế hoạch khai thác và thông báo lịch bay mới cho hành khách. Thông thường, việc dồn chuyến không dẫn đến hậu quả gây ách tắc hành khách tại sân bay do hãng phải lên kế hoạch từ trước. |
Bình luận (0)