Những ngày gần đây, các nhà đầu tư chứng khoán liên tục nhận được các thông tin gây “sốc”, đó là việc lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán bị tạm giam hoặc bị cơ quan an ninh vào cuộc điều tra. Hầu hết các vụ đều có liên quan đến việc vi phạm nguyên tắc điều hành, quản lý trên thị trường chứng khoán.
Những cái chết bất ngờ
Trong ngày 10-8, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã có 2 thông báo liên quan đến 2 công ty chứng khoán bị cơ quan công an điều tra. Vụ thứ nhất là việc ông Phan Minh Anh Ngọc, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Cao su - nguyên tổng giám đốc Công ty Tài chính Cao su Việt Nam, đã bị bắt tạm giam.
Hiện Công ty Chứng khoán Cao su là một trong 6 công ty chứng khoán đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do tỉ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro nhỏ hơn 120%. Cùng với ông Phan Minh Anh Ngọc, còn có thêm 2 cán bộ và nhân viên tín dụng của Công ty Tài chính Cao su Việt Nam cũng đã bị bắt do những sai phạm trong cho vay tín dụng ở công ty này.
Chứng khoán suy giảm kéo dài khiến nhà đầu tư và cả các công ty chứng khoán thua lỗ. Ảnh: HỒNG THÚY
Vụ thứ hai liên quan đến Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS). Công ty này vừa công bố thông tin đã nhận được thông báo chính thức từ Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP Hà Nội về việc cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự: “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thao túng giá chứng khoán xảy ra tại SBS”.
Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, SBS không được cung cấp bất kỳ thông tin nào về vụ việc trên các phương tiện đại chúng cũng như trên website của công ty. Hiện tại, cổ phiếu SBS đang bị kiểm soát và chỉ được giao dịch 15 phút cuối cùng của phiên. Tính đến hết tháng 6 - 2012, SBS đã lỗ lũy kế gần 1.500 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 1.266 tỉ đồng...
Trước đó, vào đầu tháng 8, ông Phan Huy Chí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SME, cũng đã bị bắt tạm giam. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trường hợp SME được giới đầu tư chứng khoán nhận xét là “chết nhanh đến bất ngờ” bởi SME từng là một công ty có vốn điều lệ lớn, có công nghệ hiện đại, hệ thống giao dịch S-Pro rất thuận lợi cho nhà đầu tư.
Còn nhớ vào thời điểm 2009-2010, để thu hút khách hàng, SME đã mạnh tay cho nhà đầu tư sử dụng margin với tỉ lệ rất lớn, lên đến 3-7, thậm chí 2-7; cho ứng tiền trước, nộp tiền sau… Lúc đó, công ty này lên như diều, số lượng nhà đầu tư mở tài khoản tăng chóng mặt, SME nhanh chóng đứng vào tốp 15 công ty chứng khoán có thị phần tốt.
Tuy nhiên, từ tháng 11-2011, SME liên tục bị cảnh báo chậm nộp tiền lưu ký, rồi nhà đầu tư rút tiền hàng loạt và sự sụp đổ bắt đầu.
“Bạo phát bạo tàn”
Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân chủ tịch SME bị tạm giam là do vào tháng 4-2010, Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với ông Hoàng Ngọc Anh và SME có giá trị hơn 168 tỉ đồng. Theo hợp đồng, PVI góp 40%, ông Hoàng Ngọc Anh góp 60% bằng số dư chứng khoán trong tài khoản của ông (mở tại SME) và PVI được hưởng lợi nhuận 13%/năm.
Ngoài ra, PVI cũng ký một hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tư vấn Anh và SME với giá trị hợp đồng trên 198 tỉ đồng, trong đó PVI góp 40% và được hưởng lợi nhuận 13%/năm. Số tiền PVI chuyển vào SME gần 108 tỉ đồng. Mấu chốt của vấn đề là SME đã không trung thực trong cung cấp thông tin và ông Hoàng Ngọc Anh đã không đầu tư chứng khoán, đồng thời chữ ký trên hợp đồng cùng các giấy tờ liên quan là giả mạo. Còn Công ty CP Tư vấn Anh thực chất là thành viên của SME. Đến lúc tất toán hợp đồng thì SME đã không có đủ tiền để trả…
Hiện nay, giới đầu tư đang chờ kết luận điều tra từ SBS bởi thông tin liên quan đến công ty này đã lan truyền trong vài tuần qua như đang bị lỗ nặng, cổ phiếu SBS bị kiểm soát, ban lãnh đạo đã thay đổi… và nhiều thông tin liên quan đến những sai phạm của lãnh đạo cũ như che giấu các khoản lỗ, làm giá cổ phiếu SBS, SCR, DLG…
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán tại TPHCM nhận xét vụ việc tại SME hay SBS… là do không tuân thủ các quy định của luật pháp; chạy theo lợi nhuận, doanh thu tức thời mà quên đi quy luật phát triển bền vững, ổn định. Bản chất của thị trường chứng khoán là “không thể lường trước” và không thể nào “điều khiển”. Thực tế là SME, SBS đã từng nổi lên rất nhanh trong giai đoạn 2009-2010 với lợi nhuận tốt. Nhưng sau đó thị trường giảm liên tục, giá cổ phiếu rớt thê thảm thì chính họ bắt đầu thấm lỗ và ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Ngoài Công ty Chứng khoán Cao su, hiện còn 5 công ty chứng khoán đang trong diện phải kiểm soát đặc biệt vì không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính (thấp hơn 120%), thua lỗ liên tục… Một lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng những công ty chứng khoán yếu kém cần phải được thanh lọc dần. |
Bình luận (0)