Theo nhận định của báo Mỹ The New York Times, dường như giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn dùng chiêu bài biển Đông để chứng tỏ cho dư luận trong nước biết Trung Quốc đang là cường quốc trong khu vực và đủ sức đạt được những tuyên bố chủ quyền phi lý. Đây cũng là chiến thuật đánh lạc hướng trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào mùa thu tới, thời điểm chuyển giao quyền lực sau một thập kỷ.
Trung Quốc dùng biển Đông để giảm sự chú ý của dư luận vào nhân sự đại hội đảng sắp tới.
Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người được cho là sẽ kế nhiệm ông. Ảnh: acus.org
Bằng những hành động “đao to búa lớn” bên ngoài, giới cầm quyền có thể “diễu võ dương oai” nhằm che lấp khoảng thời gian tiềm ẩn nhiều bất trắc này. “Họ muốn được người dân trong nước nhìn nhận giới cầm quyền hiện tại là mạnh mẽ và cứng rắn. Họ muốn chắc chắn không bị đánh giá là yếu ớt và nhu nhược” - giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Theo giới chuyên phân tích tình hình Trung Quốc và các nhà ngoại giao châu Á, để duy trì liên tục sự chú ý của công luận trong nước đối với biển Đông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang hợp tác hết sức chặt chẽ và đồng lòng áp dụng một chính sách kiên quyết hơn nhiều.
Dẫn chứng về sự đồng lòng này, ngày 31-7, nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố sẽ thành lập “hệ thống tuần tra trực chiến” trên biển Đông. Ngay sau đó, Chính phủ Trung Quốc loan tin vừa hạ thủy tàu tuần tra mới nhất và hiện đại nhất Hải tuần 01 để thực hiện cái gọi là nhiệm vụ “bảo đảm chủ quyền trên biển”.
Bình luận (0)