Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp (DN) và người dân cho dự thảo thông tư quy định giá cước sử dụng dịch vụ thông tin di động (TTDĐ) mặt đất, giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng TTDĐ mặt đất, dự kiến sẽ được ban hành và có hiệu lực trong năm 2012.
Trả sau, trả trước đều mất phí hòa mạng
Theo dự thảo thông tư, quy định cước hòa mạng thu một lần cũng như mức cước không phân biệt giữa hình thức trả trước, trả sau và cùng mức cước với các gói dịch vụ TTDĐ. Điểm nổi bật của thông tư là cước hòa mạng được xác định trên cơ sở chi phí hòa mạng một số điện thoại di động nhưng không thấp hơn 25.000 đồng/lần.
Việc hòa mạng thuê bao chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ của DN viễn thông hoặc điểm đăng ký thông tin thuê bao được DN cung cấp dịch vụ di động ký hợp đồng ủy quyền. Dự thảo thông tư cũng quy định giá sim là số tiền người sử dụng phải trả để được quyền sử dụng sim chỉ chứa 1 số thuê bao di động (không có tiền trong tài khoản, không có thông tin chủ thuê bao) và giá không thấp hơn 15.000 đồng.
Sim rác vẫn bày bán tràn lan khắp nơi
Ngoài ra, theo dự thảo thông tư, thẻ cào thanh toán dịch vụ viễn thông do người sử dụng trả để có quyền dùng dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định với mức cước, gói cước sẽ do DN TTDĐ quy định sau khi được chấp thuận đăng ký với Cục Viễn thông. Đại lý phân phối sim phải bán đúng giá thẻ nạp tiền của DN TTDĐ. Thời hạn của thẻ cào tối đa là 1 năm, thời hạn sử dụng phải được ghi cụ thể trên thẻ nạp tiền và trên trang thông tin điện tử của DN, mệnh giá không thấp hơn 5.000 đồng/chiếc…
Cần hạn chế khuyến mãi sim rác
Theo các chuyên gia viễn thông, quy định bắt buộc khách hàng phải đến các điểm chính quy đăng ký dịch vụ và phải mất phí hòa mạng 25.000 đồng/lần là biện pháp chặn thuê bao “ảo” làm bùng nổ sim rác tràn lan hiện nay. Đại diện các nhà mạng lớn như Vinaphone, Viettel cùng ủng hộ phương án này của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên, Trưởng Phòng Kinh doanh Vinaphone, ông Phạm Ngọc Tú, cho rằng nếu chính sách này thực hiện vào thời điểm bùng nổ thuê bao trả trước thì có lẽ tốt hơn. Hiện nay, thuê bao trả trước mới đã giảm đáng kể. Mặt khác, theo ông Tú, cách tốt nhất để chặn sim rác là cần có quy định hạn chế khuyến mãi khi kích hoạt sim trả trước mới.
Ông Tú giải thích: “Hiện nay, mua sim trả trước với số tiền 50.000 đồng nhưng tài khoản được nhân đôi. Nếu siết lại, chỉ tặng 10.000 đồng thì “thượng đế” sẽ chọn mua thẻ cào thay vì mua thêm một sim mới. Hơn nữa, khi DN không thu phí cước sim mới là đã xây dựng cấu trúc giá thành sản phẩm, nay thay đổi thu cước sẽ rất phức tạp. Đặc biệt, quy định thu cước hòa mạng và phải đăng ký dịch vụ tại các điểm chính quy sẽ gây khó cho các đại lý bởi họ đang ôm số lượng sim rất lớn”.
Theo Cục Viễn thông, mức cước thông tin quy định trong dự thảo thông tư được xác định trên cơ sở giá thành dịch vụ và phân tích một cách hợp lý từng loại giá cước theo cơ cấu chi phí dịch vụ, các bộ phận cấu thành mạng hoặc theo công đoạn dịch vụ. Mức cước thông tin không thấp hơn 15% so với dịch vụ TTDĐ của thị trường Việt Nam do Cục Viễn thông thông báo theo từng thời kỳ.
Hủy sim kích hoạt 3 tháng không xài Theo dự thảo thông tư của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 3 tháng kể từ ngày người sử dụng dịch vụ thực hiện giao kết hợp đồng hòa mạng, nếu số thuê bao đã được hòa mạng không có cước và không phát sinh lưu lượng đi hoặc đến thì hợp đồng sẽ hết hiệu lực. Dự thảo thông tư còn quy định mức cước thuê bao được xác định trên cơ sở giá thành dịch vụ. Chênh lệch cước thuê bao trả tiền trước và sau được tính dựa trên cơ sở chênh lệch chi phí giữa các hình thức trả tiền. Song, mức cước thuê bao tháng không thấp hơn 30.000 đồng. |
Bình luận (0)