Gõ cụm từ “Điểm cực Đông Việt Nam”, trong vòng 0,18 giây, trên Google đã có tới gần 60 triệu kết quả tìm kiếm. Đây cũng là điều băn khoăn của rất nhiều người bởi trong khi các điểm cực Bắc, Tây, Nam của Tổ quốc đều đã được xác định thì cực Đông trên đất liền vẫn là nơi còn tranh cãi, thu hút sự tò mò của những người đam mê chinh phục và khám phá.
“Bò” qua hoang mạc
Trên bản đồ Việt Nam, địa danh Mũi Đôi ít được chú ý. Đây chính là điểm vươn xa nhất trên đất liền về phía Đông thuộc bán đảo Hòn Gốm, nằm ở chân đèo Cổ Mã, cách Quốc lộ 1A hơn 20 km. Để ra được Mũi Đôi, trước tiên phải đặt chân đến Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa. Tuy nhiên, kể cả khi đã tới đây, nhiều người cũng sẽ gặp rắc rối nếu hỏi về Mũi Đôi.
Chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu hoặc gương mặt ngơ ngác hỏi vặn lại từ người dân địa phương khi đề cập điểm cực Đông đất liền của Tổ quốc: “Ở đây làm gì có Mũi Đôi nào?”. Thì ra, dân địa phương quen gọi Mũi Đôi là Mũi Bà Dầu hay Mũi Đầu. Bí thư Đảng ủy xã Vạn Thạnh, ông Phan Văn Ni, khuyên: “Muốn ra Mũi Đôi phải có người dẫn đường, nếu không thì chẳng đi nổi đâu. Ở ngoài đó, người bám trụ duy nhất là ông Nguyễn Văn Thanh”.
Bà Phạm Thị Nhã Vân, chủ nhà nghỉ duy nhất ở Đầm Môn, cho biết: “Những người rành đường để dẫn các đoàn khám phá, thám hiểm Mũi Đôi rất ít. Dân ở đây mà không có kinh nghiệm thì đi vẫn lạc như chơi. Người Đầm Môn dám đi đến Mũi Đôi bằng đường bộ chỉ đếm được trên đầu ngón tay”.
Tác giả bên tấm bia khẳng định Mũi Điện - Phú Yên là cực Đông đất liền nước ta. Ảnh: DUY NGUYỄN
Đường ra Mũi Đôi không có, người đi phải tự định hướng bằng kinh nghiệm, căn cứ vào bóng của mặt trời hoặc ánh trăng. Để đến được Mũi Đôi, du khách chẳng khác gì vượt qua hoang mạc với những cồn cát tưởng như kéo dài bất tận. Vào mùa gió Nam hoạt động mạnh, nếu không trang bị kính đeo mắt thì khó mà nói đến chuyện đến đây. Dải đất nằm sát biển này được mệnh danh là “vương quốc của cát”. “Giá như có lạc đà mà cưỡi thì hay biết mấy!” - một người bạn tôi thốt lên.
Phải mất ít nhất 7 giờ vừa đi vừa nghỉ sau khi “bò” qua rất nhiều đồi cát cao trên dưới 200 m, bóng dáng Mũi Đôi mới dần hiện ra trước mắt chúng tôi. Sau sa mạc cát là đến những chặng leo núi, bám vào đá dò từng bước đi. Hầu như không một loại cây nào sống được trên vùng đất này ngoài xương rồng, dứa dại và rau muống biển. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chú tắc kè, loài động vật có sở thích sống trên cát và chịu khát rất giỏi.
Bất chấp hiểm nguy
Có người gọi chuyến đi chinh phục Mũi Đôi là hành trình trải qua cảm giác cực khổ để đến được một nơi cực đẹp. Cực Đông gây tò mò cho nhiều người nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để đến với nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của đất nước.
“Vài năm nay, rất nhiều người tới Đầm Môn để hỏi đường ra Mũi Đôi. Nhiều người khi biết đường xa và khó đi, hoảng quá đã bỏ cuộc. Có người đi nửa đường thì phải quay lại, thậm chí đến Mũi Đôi rồi nhưng không dám đi bộ trở lại nữa, đành đợi thuyền ra đón về Đầm Môn. Cũng có người chưa kịp chuẩn bị gì và chưa tưởng tượng ra hành trình gian nan đã về chuẩn bị rồi quay lại chinh phục vào dịp khác” - bà Vân kể.
Mũi Đôi nằm trên bán đảo Hòn Gốm nên còn có đường đi thuyền tiết kiệm thời gian hơn. Tuy nhiên, ít người lựa chọn cách này bởi không được trải nghiệm và thỏa mãn cảm giác chinh phục, phần vì giá thuê thuyền khá đắt - tới 3 triệu đồng/chuyến. Dân xóm chài ở Đầm Môn cũng ngại đi Mũi Đôi do tuyến này có rất nhiều đá ngầm, dòng hải lưu lại không ổn định.
Ngọc đã ra đi vì kiệt sức và có tiền sử bệnh tim mà không được cấp cứu kịp thời. Vài tuần sau, một người bạn trong nhóm của Ngọc đã quay lại đây để đi nốt hành trình chưa trọn, như một cách đền đáp ý nguyện của cô. Cái chết của cô gái trẻ là lời cảnh báo, nhắc nhở với những ai lăm le thực hiện hành trình chinh phục Mũi Đôi. “Hãy chuẩn bị kỹ sức khỏe, tinh thần và cả những vật dụng thiết yếu” - ông Tâm dặn dò chúng tôi.
Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi cái chết của Ngọc dù tôi và cô chưa bao giờ gặp nhau. Nhiều người cho rằng cô phải bỏ mạng giữa những cồn cát hoang vu kia chỉ vì cố gắng thực hiện sự đam mê thì thật dại dột nhưng tôi vẫn cảm phục, kính nể những người can trường như thế. Và, khi đến được Mũi Đôi, tôi mới hiểu vì sao lại có những cô gái, chàng trai bất chấp hiểm nguy để được đặt chân đến nơi này.
Đứng trên Mũi Đôi, nhìn về phía Đông là biển Đông mênh mông, ngoái lại hướng Tây là đất liền của Tổ quốc thân yêu. Ánh hoàng hôn hay bình minh ở Mũi Đôi có một sức hút thật kỳ lạ. “Nhiều bạn trẻ đã mang theo máy định vị để đo tọa độ ở Mũi Đôi. Họ bảo rằng nếu tính theo vòng quay trái đất thì Mũi Đôi chỉ đón ánh nắng sớm hơn những nơi khác vài chục giây thôi. Song, chừng đó cũng đủ để hạnh phúc với những ai khát khao được tận hưởng cảm giác lạ” - ông Nguyễn Văn Thanh lý giải.
Mũi Đôi hay Mũi Điện?
Lâu nay, đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc Mũi Đôi hay Mũi Điện - tức mũi Đại Lãnh thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa - Phú Yên, mới là điểm cực Đông đất liền của nước ta. Gần đây, sau khi những nhà thám hiểm không chuyên dùng máy định vị cá nhân xác định Mũi Đôi có kinh độ xa nhất về hướng Đông, chuyện này mới dần ngã ngũ. Người ta đo được Mũi Đôi nằm ở kinh độ 109027’42” Đông, vĩ độ 12038’51” Bắc; trong khi Mũi Điện có kinh độ 109027’06’’ Đông và 12052’48’’ Bắc - nghĩa là Mũi Đôi đón ánh bình minh sớm hơn Mũi Điện 36 giây theo vòng quay trái đất.
Để thỏa chí tò mò, chúng tôi cũng đã tìm đến Mũi Điện và phát hiện ở đây có một tấm bia lưu niệm lớn ghi: “Mũi Điện (Đại Lãnh) - điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Từ hơn 2 năm nay, tỉnh Phú Yên đã xây hẳn nơi nghỉ chân cho du khách tại khu Đại Lãnh. Tại đây có ngọn hải đăng Đại Lãnh nổi tiếng nên nhiều người tin rằng Mũi Điện mới chính là điểm cực Đông.
Ông Trần Văn Mười, người đã sống gần 20 năm qua dưới chân ngọn hải đăng Đại Lãnh, cho biết: “Trước đây, có đoàn khảo sát của Cục Đo đạc bản đồ về Mũi Điện cắm chốt và họ đặt điểm này là mốc giới phía Đông”. Tuy vậy, ông Mười vẫn cho rằng việc Phú Yên dựng tấm bia khẳng định điểm cực Đông đất liền của Tổ quốc tại Mũi Điện là vội vàng, không thuyết phục.
Anh Nguyễn Ngọc Thắng, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đại Lãnh, băn khoăn: “Nhiều người đến đây vì khát khao được đặt chân lên điểm cực Đông đất liền của nước ta. Họ hỏi đâu là điểm cực Đông thực sự nhưng tôi cũng không biết trả lời thế nào”. Trong khi đó, ông Mười tâm sự: “Từ khi có thông tin Mũi Đôi ở Khánh Hòa mới là điểm cực Đông, du khách đến Mũi Điện ít hẳn đi. Cơ quan chức năng cũng nên xác định rõ đâu là điểm cực Đông đất liền để mọi người khỏi nhầm lẫn”.
Đẹp đến nao lòng Mũi Đôi là nơi kỳ lạ, khí hậu khắc nghiệt, chỉ có gió và cát nhưng lại là nơi được tạo hóa ban tặng những cảnh đẹp mê hồn. Ông Thanh, người bám trụ ở nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của dải đất hình chữ S đã 10 năm nay, tiết lộ: “Tuy sát biển nhưng ở đây có mạch nước ngọt. Thậm chí, chỉ cần dùng tay đào cát biển đã thấy nước ngọt chảy ra”. Một góc Mũi Đôi - Khánh Hòa Đặt chân đến Mũi Đôi và Mũi Điện, chắc chắn ai cũng đều có chung một cảm nhận: Cảnh sắc thiên nhiên, biển trời nơi đây đẹp đến nao lòng. Dù đứng ở nơi nào, người ta cũng sẽ có những điểm nhìn tuyệt đẹp về đất nước. Chiêm ngưỡng Tổ quốc từ phía cực Đông có lẽ là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời bất cứ ai sinh ra và lớn lên trên dải đất hình chữ S thân yêu.
Bình luận (0)