xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đôi chân huyền thoại còn đâu!

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN DUẨN

Cil Múp Ha K’Riêng, Anh hùng Lao động ngành bưu điện, người nổi tiếng với hành trình đi bộ giao thư ròng rã suốt 13 năm giữa núi rừng Tây Nguyên qua đoạn đường gần 4 vòng trái đất, giờ phải ngồi liệt một chỗ vì bệnh tật, đói nghèo

Không còn hình ảnh một người đàn ông Cơ Ho của núi rừng Tây Nguyên dũng mãnh ngày nào với đôi chân đi vạn dặm lội suối, băng rừng, vượt ngàn gian khó để đưa công văn, thư báo, đem cái chữ về với buôn làng. Trước mắt tôi, Cil Múp Ha K’Riêng ngồi đó, lặng lẽ với khuôn mặt buồn bã xa xăm.

Hiểm nguy không nản

Người nhân viên bưu tá được phong Anh hùng Lao động ngày nào đang cùng vợ và 2 con sống trong cảnh hết sức khó khăn tại buôn Bneur C, xã Lát, huyện Lạc Dương - Lâm Đồng. Bi đát hơn, suốt 3 năm nay, căn bệnh u não quái ác hành hạ, biến chứng, để rồi giờ đây, đôi chân Ha K’Riêng không thể đi đứng, đôi mắt cũng đã mù lòa. “Mình chỉ mong được nhìn thấy đứa cháu ngoại mới 6 tháng tuổi cười một lần, chỉ một lần thôi, rồi chết cũng vui” - ông khao khát. Có lẽ ước vọng đơn giản ấy cũng sẽ không bao giờ đến được với ông nữa rồi...

Đôi mắt Ha K’Riêng nhắm nghiền, khuôn mặt phù nề nhăn lại vì đau đớn. Ông bây giờ không thể lê bước và gần như bại liệt, một dấu lặng buồn rất khó gọi tên của người anh hùng từng nổi danh với đôi chân huyền thoại. Tâm trạng Ha K’Riêng buồn như tiếng mưa chiều đang rơi lộp bộp bên mái hiên nhà nơi cuối buôn.

Ha K’Riêng không thể tự mình ra cửa đón khách được nữa. Tôi và bà Rơ Ông Ka Hai - vợ ông - phải vào buồng dìu ông ra ghế. Câu chuyện của người bưu tá anh hùng bắt đầu từ những nẻo đường rừng núi, làm sống lại ký ức một thời với biết bao hiểm nguy, gian khó.

Tháng 12-1982, chàng thanh niên Ha K’Riêng được nhận vào làm việc tại Bưu điện Lạc Dương. Anh được phân công về tổ vận chuyển thư báo gồm 5 người, phụ trách 3 tuyến đường thư từ Lạc Dương đi Đạ Chais, Păng Tiêng và khu vực ba xã ở Đầm Ròn.
img

Bà Ka Hai, vợ Ha K’Riêng, chăm sóc chồng những ngày ông lâm bệnh

Tuyến ngắn nhất là Lạc Dương - Păng Tiêng cũng hết nửa ngày đi bộ. Tuyến gian khổ nhất là Lạc Dương - Đầm Ròn, với chiều dài đi tắt băng rừng khoảng 70 km, lội bộ cả đi và về mất trọn một ngày; nếu theo đường lớn - cũng rất khó đi - thì độ dài lên đến 200 km nhưng mỗi tuần anh có 2 chuyến như vậy.

“Để đi vào Đầm Ròn, mình phải xuyên rừng với nhiều đèo dốc. Dốc Trời, dốc Đá… dựng đứng, có khúc phải bám vào cành lá, rễ cây rừng mà leo. Dưới chân núi là những dòng suối sâu, rồi ruồi vàng đốt thâm da thịt, vắt rừng luôn đeo bám tấn công trên suốt đường đi. Những cơn sốt rét, rồi bị thú rừng tấn công luôn là nỗi ám ảnh nhưng không làm mình nản chí” - Ha K’Riêng nhớ lại.

Trong cuộc đời làm bưu tá của mình, Ha K’Riêng bảo có một chuyến đi mà ông không thể nào quên. Hôm ấy, khoảng 12 giờ, ông cùng đồng nghiệp Ha Sú đi đến khu vực dốc Trời, lúc này mưa tầm tã, sương mù dày đặc.
Bỗng nhiên, một con gấu mẹ mới sinh tưởng có đối tượng đến tấn công con mình, từ trong bụi rậm liền lao ra vồ Ha Sú. “Trong chớp nhoáng, Ha Sú đã bị con gấu táp vào người, mặt mũi máu chảy đầm đìa. Mình bình tĩnh lấy đá và cây rừng đuổi đánh con gấu, cuối cùng nó cũng bỏ đi. Mình xé áo băng bó vết thương cho Ha Sú rồi cả hai cùng về” - Ha K’Riêng kể.

Đối mặt Fulro

Dốc cao, rừng sâu, ruồi vàng, thú dữ… không phải là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất. Sau ngày đất nước thống nhất cho đến năm 1985, khu vực ba xã Đầm Ròn là nơi ẩn náu và hoạt động của bọn phản động Fulro. Chúng thường xuyên tổ chức phục kích trên các tuyến đường rừng nên những nhân viên bưu tá cũng luôn phải đối mặt.

Ngày đó, trên những tuyến đường vận chuyển thư báo, các bưu tá đi trong tâm trạng hết sức căng thẳng, Fulro có thể lấy đi tính mạng họ bất cứ lúc nào. Trước khi Ha K’Riêng trở thành bưu tá, trên tuyến đường thư Lạc Dương – Đầm Ròn vào tháng 8-1980, 2 đồng nghiệp của ông đã hy sinh, đó là Liêng Jrang Hà Hương và Ndu Hà Rang.

Mỗi năm, bước chân Ha K’Riêng đã đi hơn 10.000 km đường rừng. Cứ thế, suốt 13 năm ròng rã đi bộ, từ năm 1982 đến 1995, chặng đường ông đi không dưới 150.000 km - gần 4 vòng trái đất. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ đổi mới, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Ha K’Riêng, đầu năm 2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho người tổ trưởng tổ vận chuyển thư báo thuộc Bưu điện Lạc Dương.

Sau khi được phong anh hùng, 2 kỷ vật luôn đồng hành cùng Ha K’Riêng trong mỗi chuyến đi là chiếc gùi ông dùng để đựng thư báo và chiếc xà gạc mang theo phòng thân đã được Bưu điện Lâm Đồng xin lại để gìn giữ ở phòng truyền thống.

Người hùng lâm bệnh

Tháng 5-2008, sau 26 năm công tác, Ha K’Riêng nghỉ hưu sớm ở tuổi 51. Tưởng chừng sẽ được hưởng thú điền viên bên gia đình, nào ngờ, tháng 11-2009, ông bị một cơn đau đầu dữ dội, rồi sau đó cứ lúc nhớ, lúc quên. Người vợ tảo tần đã đưa Ha K’Riêng lên TPHCM khám, chụp CT và phát hiện ông bị u não. Ba tháng nằm viện để mổ khối u, Bưu điện Lâm Đồng và Công đoàn ngành phải hỗ trợ gia đình ông gần 30 triệu đồng để lo chi phí.

Sau khi mổ khối u về, đôi mắt Ha K’Riêng cứ mờ dần, mờ dần rồi tắt lịm ánh sáng. Đôi chân huyền thoại ngày nào cũng không thể tự bước đi được nữa. Giờ đây, mỗi sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện, bà Ka Hai lại đỡ chồng ngồi lên chiếc xe lăn và đẩy ra sân để ông phơi nắng khoảng 1 giờ. Ha K’Riêng không còn thấy được mặt trời, chỉ có thể cảm nhận qua hơi ấm khi ánh sáng chiếu xuống. Hết giờ sưởi nắng, ông lại lặng lẽ vào nằm thu mình trên một góc giường cũ kỹ, xập xệ trong căn buồng tối tăm và ẩm thấp.

Biết tâm trạng Ha K’Riêng rầu rĩ, tôi cố gợi chuyện vui nhưng cũng không ngăn được những giọt nước mắt chực chờ nhòe nhoẹt trên khuôn mặt ông. Tôi băn khoăn hỏi bà Ka Hai: “Vì sao ông hay khóc?”. Bà hạ giọng: “Anh ấy nuối tiếc và xúc động”.
Có thể những câu hỏi của tôi vô tình đã chạm vào quá khứ hào hùng của Ha K’Riêng, điều mà ông không muốn sống dậy trong hoàn cảnh của mình vào lúc này. Quá khứ đáng tự hào ấy, ông chỉ muốn nó ở mãi trong tim mình, ngủ yên. Điều mà Ha K’Riêng khao khát nhất lúc này là đôi mắt ông sáng lại, đôi chân ông có thể tự bước đi mà không cần vợ con dìu đỡ.

Người con anh hùng của buôn làng Tây Nguyên, của ngành bưu điện Việt Nam đang phải chịu đựng một nỗi đau tinh thần và sự ám ảnh ghê gớm, còn hơn cả khi đối mặt với bọn Fulro hay thú dữ. Đó là đói nghèo và bệnh tật. Tôi không khỏi xót xa khi nghe ông bộc bạch: “Mình chưa phải đã thiếu gạo nhưng chẳng mấy khi được ăn miếng ngon”.

Trong nhà Ha K’Riêng, ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động được treo trang trọng ở giữa tường nhà cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen, danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc của ông, tôi chỉ thấy một chiếc tivi cũ, đôi chiếc giường ọp ẹp, 2 cái tủ xiêu vẹo phải dựa vào tường cho khỏi đổ và một bộ ghế sofa đã sờn rách.

Ha K’Riêng có 3 người con, cô con gái lớn Rơ Ông Ka Brông đã bắt chồng, người con trai kế Rơ Ông Ha Quyền chưa vợ, còn bé Rơ Ông Bích Hạnh mới vào lớp 9. Tiền lương hưu mỗi tháng của Ha K’Riêng khoảng 2 triệu đồng phải mua thuốc cho ông hết một nửa. Bà Ka Hai mỗi ngày dệt thổ cẩm bán được chỉ 20.000 - 40.000 đồng nhưng cũng không đều. Hai sào cà phê cằn cỗi mỗi năm cũng chỉ đem lại cho gia đình ông khoảng 5 triệu đồng… 

Ngày 15-8 vừa qua là kỷ niệm 67 năm ngày truyền thống ngành bưu điện Việt Nam. Ha K’Riêng bảo ông không đi dự lễ được. “Dù rất muốn dự nhưng chân mình yếu lắm, mắt lại mù nữa” - ông rầu rĩ. Ha K’Riêng lại nhìn ra cửa sổ, đôi mắt không còn thấy được gì cứ xa xăm, đỏ hoe…

Chàng trai “đắt giá”

Bà Ka Hai cố kể chuyện vui về đám cưới của mình khi xưa để chồng khuây khỏa. “Ha K’Riêng thời trai trẻ là một chàng trai rất được các cô sơn nữ ngưỡng mộ. Mình cũng đã phải “cạnh tranh” với ít nhất 2 cô gái trong buôn để có được anh ấy. Mình đã phải chuẩn bị của hồi môn gồm 12 con trâu, 100 chuỗi hạt cườm, 1 bộ đồng la 6 cái và 10 ché mới bắt được anh ấy về làm chồng” - bà hồi tưởng.

img

Ka Hai dùng dây thổ cẩm do chính tay bà dệt để buộc tóc cho chồng

“Ha K’Riêng hồi ấy đắt giá nhất buôn mình đó. Bố mẹ Ha K’Riêng ra giá đắt dễ sợ, bắt được anh ấy làm chồng không phải đơn giản đâu” - bà Ka Hai đùa. Cả 3 chúng tôi cùng cười, dù Ha K’Riêng có vẻ hơi gượng gạo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo