10 nhà hoạt động trên là những người đầu tiên của nhóm 150 người đi trên một đội tàu nhỏ đến Senkaku nhảy xuống biển và bơi lên đảo. Tuy nhiên, họ cũng bị Lực lượng Bảo vệ bờ biển thẩm vấn vì đề nghị lên đảo của họ bị chính phủ Nhật bác bỏ trước đó.
Đội tàu gồm 20 chiếc xuất phát tối 18-8 từ Ishigaki và đến đảo chính Uotsurijima của Senkaku rạng sáng nay, 19-8, để “tưởng nhớ những người Nhật Bản thiệt mạng gần quần đảo vào Thế chiến thứ hai”, đồng thời đáp trả chuyến đổ bộ bão táp của một nhóm nhà hoạt động Hồng Kông vài ngày trước.
10 người Nhật vẫy cờ trên Senkaku. Ảnh: Kyodo
150 nhà hoạt động Nhật Bản định cột tàu lại với nhau rồi cùng nhau hát quốc ca bước lên đảo. Họ còn định leo lên đỉnh cao nhất trên quần đảo Senkaku và cắm cờ Nhật tại đó. Chính trị gia Kenichi Kojima tuyên bố: “Chúng tôi muốn chứng tỏ với cộng đồng thế giới rằng quần đảo này là của chúng tôi”.
Chuyến thăm trên bị người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cường gọi là “hành động đơn phương bất hợp pháp và vô giá trị của Nhật Bản” cũng như hối thúc Tokyo “dừng ngay lập tức hành động phá hoại chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.
Ngày 18-8, Trung Quốc đã trao công hàm phản đối chuyến thăm này cho Nhật Bản. Trước đó, báo chí Trung Quốc đánh giá việc Nhật Bản sớm trục xuất 14 nhà hoạt động Hồng Kông là “khôn ngoan”.
Đội tàu Nhật Bản rời Ishigaki tối 18-8. Ảnh: Kyodo
Cùng ngày 18-8, người đứng đầu phụ trách chính sách của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Seiji Maehara nói với báo giới rằng nước này cần củng cố lực lượng bảo vệ bờ biển để bảo vệ các quần đảo tranh chấp. Ông Maehara cho biết chính phủ và các đảng cầm quyền sẽ thảo luận về cách tăng cường hỗ trợ cho lực lượng này.
Bắc Kinh và Tokyo tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư từ lâu. Trung Quốc khẳng định đó là một phần lãnh thổ từ thời xa xưa trong khi Nhật Bản tuyên bố kiểm soát quần đảo từ cuối thập niên 1890 sau khi chắc chắn chúng không có người ở.
Bình luận (0)