Rầm rộ tuyển sinh
Hoạt động tuyển sinh của các chương trình thực tế không chỉ náo nhiệt ngoài hiện trường mà còn mang nhiệm vụ “câu” khán giả cho nhà sản xuất
Một chương trình truyền hình thực tế có quy mô lớn và nổi tiếng như The Voice - Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Vietnam’s got talent, So you think you can dance, ... sẽ có khởi đầu bị cho là thất bại nếu số lượng thí sinh đăng ký tham dự chỉ đến con số ngàn người. Vì vậy, các nhà sản xuất luôn vận dụng hết khả năng huy động thí sinh để đẩy con số thí sinh tham dự cuộc thi lên đến con số hàng chục ngàn.
Hiệu ứng từ số đông
Với nhà sản xuất, lượng thí sinh đăng ký tham dự càng đông càng tạo hiệu ứng, dù thực tế lượng thí sinh đến với mục đích tranh tài có thể ít hơn rất nhiều so với lượng thí sinh tham gia. Bởi ở vòng tuyển sinh, nhà sản xuất chưa cần phải canh cánh nỗi lo có bao nhiêu thí sinh tiềm năng cho chương trình của mình. Mọi sự tập trung của khán giả đổ dồn vào những tiết mục trình diễn quái chiêu, những thí sinh “mắc bệnh hoang tưởng” như lời bình luận của nhiều khán giả, sẽ xuất hiện trong chương trình và đây là những gia vị cần thiết để nhà sản xuất tận dụng thành tiết mục quảng bá chương trình của họ. Minh chứng rõ nét là tập đầu tiên của chương trình Vietnam Idol 2012, vừa phát sóng ngày 17-8, đã mang đến cho khán giả những màn trình diễn hài hước không tưởng tượng nổi của thí sinh.
Tìm đủ cách
Để có được số lượng thí sinh dự thi cần có, các nhà sản xuất chương trình phải cất công đi chiêu dụ khắp nơi, không ngại tốn kém. Mỗi mùa chương trình diễn ra, nhà sản xuất càng mở rộng địa bàn tìm kiếm bằng những thông tin quảng cáo rộng khắp đến từng người dân địa phương cùng với giải thưởng hấp dẫn lên đến hàng trăm triệu đồng. Tất nhiên, việc chương trình tổ chức tuyển sinh ở những địa bàn này sẽ thu hút được nhiều thí sinh tham gia, nhất là những thí sinh được cho là “điếc không sợ súng”, như thí sinh Nguyễn Ngọc Huyền hát như tra tấn khán giả; thí sinh Nguyễn Hồng Quang khiến khán giả bật ngửa khi trình diễn ca khúc tự sáng tác mang tên Mất trí hay một thí sinh hát ngọng bài “Lối vòng tay nớn” (Nối vòng tay lớn)... trong chương trình Vietnam Idol 2012.
Những thí sinh thiếu may mắn về ngoại hình nhưng có khả năng ca hát cũng được các nhà sản xuất chương trình chú tâm. Sự xuất hiện của hai thí sinh khuyết tật Phạm Phương Dung và Hà Văn Ðông trong chương trình Giọng hát Việt cũng đã tạo thêm cảm xúc cho khán giả theo dõi chương trình này.
Tuy nhiên, một chương trình mang tính thi thố đòi hỏi nhà sản xuất chương trình phải tìm cho được những gương mặt, giọng ca được xem là hạt nhân. Và để có được những nhân tố đủ sức cuốn hút công chúng đến phút cuối cùng, nhà sản xuất phải tổ chức những đội tìm kiếm thí sinh có năng lực thật sự từ nhiều nguồn. Những chương trình thi hát, ngoài việc chiêu dụ các ca sĩ chưa có mấy tên tuổi trên thị trường ca nhạc, các sinh viên nhạc viện, các trường đào tạo chuyên nghiệp, các đoàn hát các tỉnh... thông qua giới thiệu của các trường, các đoàn... còn tìm kiếm thí sinh tiềm năng thông qua các trang mạng chia sẻ âm nhạc, nơi có nguồn lưu trữ phong phú các bản ghi âm, ghi hình giọng hát, phần trình diễn của nhiều giọng ca nghiệp dư. Thí sinh Hương Tràm gây ngạc nhiên cho mọi người trong vòng thử giọng của Giọng hát Việt được nhà sản xuất tìm đến qua bản thu một số ca khúc như Hương ngọc lan của cô đưa lên mạng được nhiều người nghe.
Mang nhiệm vụ thu hút khán giả, vòng tuyển sinh luôn được nhà sản xuất tập trung khai thác các tiết mục hài hước hay thảm họa mang đến từ các thí sinh. Đó gần như là công thức chung cho cả bản gốc lẫn phiên bản của chương trình ở nhiều quốc gia được chuyển nhượng bản quyền. Việt Nam cũng không ngoại lệ. |
Kỳ tới: Năng lực “chế biến”
Bình luận (0)