Hơn một năm trước, VKSND thị xã Đồng Xoài - Bình Phước ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Trần Quốc Sỹ (SN 1988, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng - Bình Phước; tạm trú thị xã Đồng Xoài), thế nhưng đến nay, TAND thị xã Đồng Xoài vẫn “án binh bất động”, không trả lời đơn yêu cầu bồi thường cũng không mời người bị xử oan lên thương lượng.
Từ nghiện thành… bán ma túy
Lúc 14 giờ ngày 14-12-2009, do nghiện, Sỹ cùng với Phan Hữu Quang (SN 1986, ngụ thị xã Đồng Xoài) hùn tiền mua ma túy để sử dụng. Sỹ bị Công an thị xã Đồng Xoài bắt khi đang đứng trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cùng 1 tép heroin trên người.
Ngày 15-6-2010, TAND thị xã Đồng Xoài xét xử và tuyên phạt Sỹ 2 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cho rằng mình chỉ mua ma túy để sử dụng, Sỹ làm đơn kháng án.
Ngày 16-8-2010, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy phần hình phạt đối với bị cáo Sỹ để điều tra lại. Sau khi điều tra lại, VKSND thị xã Đồng Xoài nhận thấy Sỹ là đối tượng nghiện và mua ma túy chỉ để sử dụng nên ngày 16-6-2011, VKSND thị xã Đồng Xoài ra quyết định đình chỉ vụ án.
Sỹ ra tù sau thời gian bị giam 11 tháng 16 ngày. Ngày 5-6-2012, gia đình Sỹ làm đơn gửi TAND thị xã Đồng Xoài yêu cầu bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Chỉ hứa suông
Trường hợp 9 thanh thiếu niên bị oan trong vụ “Giam nhiều người chỉ dựa vào lời khai” (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin) lại càng nhiêu khê, trầy trật.
Tháng 8-2011, 9 người bị oan nhận quyết định đình chỉ vụ án hình sự, gia đình họ làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai. Mãi đến ngày 7-3-2012, VKSND huyện Đồng Phú - Bình Phước mới có buổi thương lượng về mức bồi thường và sau đó ra quyết định “Bồi thường thiệt hại cho người bị oan theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” đồng thời tổ chức xin lỗi công khai. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều lần lặn lội lên VKSND huyện Đồng Phú, họ vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Trong khi đó, từ khi ra tù đến nay, trong số những người bị oan, có người phải lên Gia Lai lập nghiệp, có người phải bỏ học hoặc không được đơn vị cũ nhận vào làm việc, phải vất vả mưu sinh.
Bà Phạm Thị Hoa, mẹ của anh Trương Quang Lâm (người bị bắt oan), bức xúc nói: “Nhiều lần chúng tôi tới VKSND huyện Đồng Phú để đòi bồi thường nhưng chỉ nhận được lời hứa suông. Họ không tôn trọng pháp luật”.
Đối với trường hợp này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết thời gian để cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chi trả cho người bị thiệt hại không quá 3 tháng kể từ khi ban hành quyết định bồi thường. VKSND huyện Đồng Phú đã để hơn 5 tháng vẫn không thực hiện chi trả theo quyết định giải quyết bồi thường đã ban hành là chưa tuân thủ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Quy định của pháp luật Theo khoản 5, điều 9 Nghị định 16/2010/NĐ-CP ngày 3-3-2010 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”, khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định tại điều 54 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (thời gian thực hiện các trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường không vượt quá 40 ngày làm việc). Còn theo điều 21 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định, trừ trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý và khởi kiện ra tòa án. |
Bình luận (0)