Nhiều doanh nghiệp xăng dầu lại kêu lỗ, rục rịch đòi tăng giá. Ảnh: Hồng Thúy
Lại kêu lỗ
Theo các DN xăng dầu, tại thị trường Singapore, giá xăng RON 92 hôm 22-8 giảm nhẹ xuống còn 125,35 USD/thùng nhưng các sản phẩm khác đều tăng giá. Giá dầu hỏa đứng ở mức 131,97 USD/thùng, dầu DO 0,5S là 133,47 USD/thùng, dầu FO là 684 USD/tấn.
Một đầu mối nhập khẩu xăng dầu phía Nam cho biết trong ngày chốt tăng giá lần trước (13-8), giá xăng thế giới trung bình là 115 USD/thùng, dầu hỏa là 123 USD/thùng nhưng giá trung bình của 2 mặt hàng này trong 30 ngày gần đây đã tăng lên lần lượt là 121 USD và 127 USD/thùng. Theo tính toán của DN này, giá bán lẻ mặt hàng xăng đang thấp hơn giá cơ sở 1.100 đồng/lít xăng, dầu thấp hơn 700 đồng/lít. Còn nếu tính bình quân 10 ngày gần đây thì mức lỗ còn nặng nề hơn (xăng lỗ hơn 2.000 đồng/lít, dầu lỗ khoảng 1.500 đồng/lít).
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kêu: Cho dù ngày 13-8 các DN được phép tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước nhưng DN vẫn bị lỗ tiếp 500 đồng/lít ngay sau đó một ngày. Nguyên nhân là do đề xuất tăng giá lên liên bộ lúc đó chỉ tính đến ngày 8-8 nhưng mãi đến ngày 13-8 mới được phép tăng.
Ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro), cho hay tình hình lúc này cũng không khác thời điểm trước khi tăng giá xăng dầu hôm 13-8, lúc nguồn cung vẫn tiếp tục bị thiếu hụt do nguồn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất bị gián đoạn. Các DN đầu mối phải nhập khẩu từ nhiều nước để bù đắp vào nguồn thiếu hụt này.
Theo tính toán của các DN, nếu lùi được 1% thuế thì giá bán lẻ xăng giảm được 400 đồng/lít. Tại thời điểm này, nếu Bộ Tài chính cho lùi 2% thuế nhập khẩu thì chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ giảm được 800 đồng, cộng với 300 đồng sử dụng quỹ bình ổn thì giá bán lẻ xăng có thể không phải điều chỉnh...
Chưa quyết định việc tăng giá
Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, các DN đầu mối xăng dầu kêu lỗ nhưng họ "quên" tính phần DN được hưởng như quỹ bình ổn 300 đồng/lít hoặc chi phí định mức 600 đồng/lít và lợi nhuận định mức dành cho DN 300 đồng/lít. Chỉ 2 khoản định mức này DN đã có trong tay 900 đồng/lít. Nếu trừ hoa hồng cho đại lý 300 đồng/lít thì vẫn còn 600 đồng/lít cộng 300 đồng/lít trích từ quỹ bình ổn. Vì vậy, DN kêu đang lỗ hơn 1.000 đồng/lít xăng là không chính xác, mà thực chất chỉ lỗ khoảng 100 đồng/lít...
Chiều 23-8, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, nói vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị nào của các DN đầu mối xăng dầu. Tuy nhiên, hiện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đang theo dõi sát diễn biến giá cả xăng dầu thế giới để có phương án phù hợp cho phép DN điều chỉnh giá hoặc giảm thuế nhập khẩu hoặc áp dụng cùng lúc cả 2 biện pháp trên, kể cả việc tính toán có nên trích quỹ bình ổn giá trong thời điểm này hay không. Các biện pháp trên đều đang được liên bộ cân nhắc.
Có hiện tượng tiết cung Khảo sát nhiều cây xăng trên địa bàn TPHCM cho thấy hoạt động tuy diễn ra bình thường nhưng thực chất số nhân viên trực bán ở các trụ bơm giảm mạnh. Nhiều cây xăng than phiền "càng bán càng lỗ" nhưng vẫn phải bán, nếu không sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Nhiều đại lý xăng dầu phản ánh chỉ được rót hàng theo kiểu nhỏ giọt. Một đại lý xăng dầu ở TPHCM bức xúc: Hằng tuần, đại lý này cần khoảng 140 m3 xăng nhưng nhiều tuần qua, đầu mối nhập khẩu chỉ rót cho khoảng phân nửa.
N.Hải |
Bình luận (0)