Vấn đề đặt ra là trong số các đề tài khoa học ấy, bao nhiêu được áp dụng trong cuộc sống và số còn lại ra sao? Điều này không khó trả lời vì các đề tài khoa học có tính khả thi, ứng dụng được vào thực tế chỉ đếm trên đầu ngón tay; số còn lại hẳn nằm đâu đó trong hộc tủ hoặc các kho lưu trữ.
Vì sao hầu hết đề tài khoa học không sử dụng được nhưng hằng năm, cơ quan chức năng vẫn cấp kinh phí (năm sau cao hơn năm trước) để thực hiện đề tài mới? Câu hỏi này chỉ có người trong cuộc mới trả lời thỏa đáng nhưng ai cũng hiểu, đó là vì bệnh thành tích, vì tiền lấy từ ngân sách quá dễ. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân không có khả năng thực hiện đề tài khoa học hoặc biết đề tài đó không ứng dụng được vào thực tiễn nhưng vẫn đăng ký tham gia.
Tại nhiều địa phương, có một nhóm người chuyên “chạy” đề tài khoa học để nhận hoa hồng. Đây là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực, là đất sống của cơ chế “xin - cho”. Nhiều đề tài chất lượng rất kém, thậm chí trùng lặp nhưng vẫn được chấp thuận, dẫn đến tình trạng sao chép, cóp nhặt từ các đề tài trước đó nhằm rút tiền ngân sách mà không mang lại bất kỳ giá trị kinh tế, thực tế nào. Kinh phí để thực hiện các đề tài khoa học không hề nhỏ. Có đề tài tiêu tốn hàng trăm triệu đồng nhưng khi hoàn thành lại… cất vào tủ!
Thiết nghĩ, các cơ quan thẩm quyền cần kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ đề tài, đánh giá tính khả thi trước khi cho thực hiện và tiến hành nghiệm thu một cách nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan. Tuyệt đối không qua loa, hình thức, dễ dãi trong nghiệm thu đề tài khoa học nhằm hạn chế tiêu cực, lãng phí ngân sách của Nhà nước và chống bệnh thành tích, trục lợi của một số tập thể, cá nhân.
Bình luận (0)