Người thụ hưởng lại không có trách nhiệm
“Không ít quy định của Luật Dạy nghề đã bộc lộ bất cập so với thực tiễn dạy nghề”. Nhiều đại biểu đã thống nhất nhìn nhận điều này. Trước tiên là về vai trò của DN. Ông Trần Thẩm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam), chỉ rõ: “Là người sử dụng “sản phẩm” của dạy nghề nên DN phải trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề. Điều này dù đã được đưa vào luật nhưng lại quá chung chung, không quy định rõ cơ chế, chính sách trong việc liên kết giữa DN và cơ sở dạy nghề. Theo tôi, luật cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của DN đối với đào tạo nghề chứ không dừng lại ở mức “cung cấp thông tin về ngành nghề, nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động của DN cho cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề” như hiện nay”.
Cùng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Trọng Sang đề nghị cho phép DN được đưa các khoản chi cho hoạt động đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân, người lao động của DN vào chi phí hợp lý để khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề. Hiện UBND TPHCM đã ban hành chương trình đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho công nhân; trong đó nêu rõ kinh phí chi cho đào tạo sẽ được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo Luật Thuế thu nhập DN.
Kiểm định chất lượng: Chưa khách quan
Một bất cập khác là việc đánh giá kiểm định chất lượng dạy nghề. Ông Nghiêm Trọng Quý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành 4 văn bản quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các cơ sở dạy nghề, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề.
Tuy nhiên, ông Nghiêm Trọng Quý cũng thẳng thắn thừa nhận mô hình chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề thực hiện kiểm định, không đáp ứng được nhu cầu kiểm định, không khuyến khích việc xã hội hóa hoạt động kiểm định chất lượng dạy nghề. Trước tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” gây cản trở cho công tác dạy nghề, ông Quý đề xuất: “Kinh nghiệm các nước đã chứng minh chất lượng dạy nghề sẽ bảo đảm tính độc lập, khách quan và nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình kiểm định khi Nhà nước mở rộng cho khu vực tư nhân tham gia hoạt động này”.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra nhiều bất cập khác trong Luật Dạy nghề như luật chỉ quy định cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài nhưng không quy định rõ cơ quan nào ra quyết định cho phép thành lập các cơ sở dạy nghề; luật cũng không nên giới hạn thời gian đào tạo nghề sơ cấp, cần quy định rõ việc thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài…
Cả nước có 2.292 cơ sở dạy nghề
Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề, 307 trường trung cấp nghề, 849 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở tham gia dạy nghề; tăng 1,5 lần so với năm 2006. Quy mô tuyển sinh từ năm 2007 đến 2011 đạt gần 1,35 triệu người học cao đẳng nghề, trung cấp nghề và hơn 6,85 triệu người học sơ cấp, dạy nghề thường xuyên. Riêng đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng ở cả 3 cấp đào tạo. Hiện cả nước có 33.270 giáo viên dạy nghề tại trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề; gần 16.000 giáo viên thuộc các cơ sở dạy nghề khác; tăng 1,6 lần so với năm 2006. |
Bình luận (0)