xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phạm Thanh Bình: Mua tàu Hoa Sen là thời cơ

Bài và ảnh: Nguyễn Quyết

(NLĐO)- "Vì đây là 1 con tàu rất khó tìm. Khi đã tìm ra thì nó là một thời cơ. Vì thời cơ nên tôi phải đi trước" - cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình nói về lý do mua tàu Hoa Sen hơn ngàn tỉ đồng trước toà ngày 28-8.

Phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bắt đầu lúc 8 giờ 5 phút sáng 28-8 tại TAND TP Hải Phòng. Thẩm phán Đào Thị Nga, Phó Chánh Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, Chủ tọa phiên tòa.

 

img
Thẩm phán Đào Thị Nga chủ tọa phiên tòa (ảnh chụp qua màn hình)
 

Khác với trang phục sơ mi, áo vét, quần tây lịch lãm trong phiên toàn sơ thẩm cuối tháng 3 vừa qua, Phạm Thanh Bình và các bị cáo ra tòa trong trang phục là “đồng phục kỹ thuật” xám và xanh nhạt.

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hưng - bào chữa cho bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Hoàng Anh - vắng mặt. Một số đại diện của các đơn vị liên quan cũng vắng mặt. Tuy nhiên, phiên tòa vẫn tiếp tục. Đến 8 giờ 45, sau phần thủ tục kiểm tra căn cước, Hội đồng xét xử (HĐXX) đọc bản án sơ thẩm.

 

Trước đó, tại phiên sơ thẩm ngày 30-3 vừa qua, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt 9 bị cáo với mức án tổng cộng là 124 năm tù giam, bồi thường 1.000 tỉ đồng.

 

Sau phần kiểm tra căn cước, tòa bước vào phiên thẩm vấn. Trong lần này, HĐXX xét xử các  bị cáo liên quan theo sai phạm của từng dự án. Các bị cáo không liên quan được lui tạm nghỉ phía bên trong.
 
img
Khác với bộ vét mặc trong phiên sơ thẩm, Phạm Thanh Bình ra tòa phúc thẩm trong bộ "đồng phục kỹ thuật" (ảnh chụp qua màn hình)
 

Đầu tiên, HĐXX thẩm vấn các bị cáo Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Công ty Viễn Dương Vinashin, Trịnh Thị Hậu - nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC), Hoàng Gia Hiệp nguyên Phó tổng giám đốc VFC, về các sai phạm trong dự án mua tàu Hoa Sen gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.

 

Trong dự án mua tàu Hoa Sen, các bị cáo Bình, Liêm, Hậu và Hiệp đã không thực hiện đúng chỉ đạo về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1959/VPCP-CN và số 3688/VPCP-CN là thực hiện đóng mới tàu biển chở khách cao tốc Bắc- Nam.

 

Các bị cáo đã phê duyệt dự án đầu tư mua Hoa Sen trước khi lập và thẩm định dự án, vi phạm Luật đầu tư 2005; không thực hiện thủ tục chào hàng cạnh tranh trong việc mua tàu Hoa Sen, vi phạm Luật đấu thầu và Nghị định 49 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán tàu biển. 
 
img
Các bị cáo trong trang phục "đồng phục kỹ thuật" tại phiên tòa phúc thẩm (ảnh chụp qua màn hình)
 

Công ty tài chính VFC đã phát hành bảo lãnh cho Công ty Viễn Dương mua tàu mà không thực hiện quy định về trình tự, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh cho khách hàng, vi phạm Điều 17 Quy chế bảo lãnh ngân hàng và Điều 18 Quy trình nghiệp vụ bảo lãnh; ký hợp đồng cho công ty Viễn Dương vay 1.390,9 tỉ đồng để thực hiện dự án mua tàu Hoa Sen khi dự án chưa lập xong, chưa được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt vi phạm về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng; không thực hiện thủ tục quyết toán vốn đầu tư của dự án, vi phạm Nghị định 52 về Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

 

Những sai phạm của bị cáo trong việc mua tàu Hoa Sen đã gây thiệt hại tổng tài sản là 650,5 tỉ đồng.

 

Trả lời đầu tiên về nhận thức hành vi phạm tội, bị cáo Phạm Thanh Bình lên tiếng: “Tôi nhận thức đúng quy định về đầu tư. Về chủ trương chúng tôi đã làm đúng quy định. Chỉ trong quá trình thực hiện thì chúng tôi đã làm sai một số quy định”.
 

img
Một bị cáo quay đầu lại như muốn tìm người quen tại phiên tòa (ảnh chụp qua màn hình)
  

Khi được hỏi, lý do dẫn tới sai phạm của bị cáo, nguyên Chủ tịch Vinashin một thời khẳng định: “Tôi đã ký phê duyệt dự án trước khi dự án chính thức được phê duyệt. Vì đây là 1 con tàu rất khó tìm. Khi đã tìm ra thì nó là một thời cơ. Vì thời cơ nên tôi phải đi trước. Dù 1 tháng sau mới được phê duyệt nhưng tôi vẫn ký. Đấy là cái sai của tôi. Thứ 2, dự án mua tàu không qua chào hàng cạnh tranh vì nếu qua chào hàng cạnh tranh thì không mua được con tàu này”.

 

Trong phiên tòa sơ thẩm và lần này, bị cáo Liêm vẫn một mực cho rằng, mình chỉ là người thực hiện trong tình thế bắt buộc phải làm. “Sau khi xem xét lại, tôi không vi phạm vào việc thực hiện trái quy định của chính phủ vì tôi không biết có văn bản đó, không biết có chỉ đạo đó” - bị cáo Liêm nói.

 

Bị cáo Liêm tiếp tục: “Tôi chỉ tham gia thực hiện chứ không phải là tích cực. Khi dự án đưa cho chúng tôi, tôi không được biết có văn bản của chính phủ. Nên tôi vẫn nghĩ đây là dự án bình thường mua bán tàu biển”.

 

Còn bị cáo Hoàng Gia Hiệp thì khăng khăng chỉ vi phạm trong lĩnh vực tín dụng, không trực tiếp gây ra hậu quả nên thấy mức án 13 năm là quá nặng. Bị cáo này mong HĐXX xem xét vì kỹ hơn mức độ, tính chất phạm tội trong lĩnh vực tín dụng đồng thời xin cung cấp thêm thông tin thân nhân tốt để được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

 

Bị cáo cuối cùng liên quan trong dự án tàu Hoa Sen là Trịnh Thị Hậu, được coi là trước hay sau đều chối tội của mình. “Tôi thấy xếp tôi tội Cố ý làm trái là chưa thỏa đáng. Tôi nhận thức là tôi không vi phạm. Tôi cũng không biết dự án có hiệu quả hay không, tôi chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Tôi không mong muốn hậu quả xảy ra và cũng không thấy hậu quả xảy ra cả”, bị cáo này khẳng định. 

 

13 giờ 30 phút chiều ngày 28-8, phiên toà tiếp tục với phần thẩm vấn sai phạm tại các dự án khác.

 
Dự kiến, phiên xử phúc thẩm sẽ kéo dài trong 3 ngày tại trụ sở TAND TP Hải Phòng.
 

124 năm tù, bồi thường 1.000 tỉ đồng

 

Tại phiên sơ thẩm ngày 30-3 vừa qua, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt 9 bị cáo vụ Vinashin với mức án tổng cộng là 124 năm tù giam, bồi thường 1.000 tỉ đồng.

 

Cụ thể, mức án của các bị cáo như sau: Bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin, chịu mức án  20 năm tù. Phạm Thanh Bình đã có những sai phạm trong 3 dự án: Mua tàu Hoa sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Lân; xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.

 

Bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc Công ty Viễn Dương Vinashin, bị 19 năm tù về tội cố ý làm trái. Trần Văn Liêm đã cùng Phạm Thanh Bình mua tàu Hoa Sen, gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng.

 

Bị cáo Tô Nghiêm, nguyên Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, bị 18 năm tù vì đã mua nhà máy nhiệt điện chạy dầu diesel cũ, lắp tại Cái Lân, ký nhận bàn giao khi dự án chưa hoàn thành.

 

Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh, chịu 16 năm tù, vì đã triển khai dự án nhiệt điện Sông Hồng mà không làm thiết kế kỹ thuật xin ý kiến các cơ quan chức năng, làm giả hồ sơ để vay tiền từ Vinashin…

 

Bị cáo Trịnh Thị Hậu, khi phạm tội là Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy (VFC), 14 năm vì đã giải ngân trái quy định, cho vay không thẩm định dự án nên dẫn đến bên vay không có khả năng thanh toán, nguy cơ mất vốn.

 

Bị cáo Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc VFC, 13 năm tù vì đã triển khai giải ngân, cho vay không đúng quy định trong dự án mua tàu Hoa Sen.

  

Bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu thuộc Vinashin, 11 năm tù vì đã bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang trái quy định.

 

Bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng Công ty Hoàng Anh, 10 năm tù vì đã tiếp tay cho Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Hoàng Anh triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, làm giả chứng từ vay vốn của Vinashin.

 

Cả 8 bị cáo trên đều bị truy tố theo khoản 3 tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

 

Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long, bị 3 năm về tội sử dụng trái phép tài sản.

 

Ngoài ra, HĐXX còn cấm các bị cáo trên đảm nhiệm các chức vụ về quản lý kinh tế trong thời gian 5 năm sau khi mãn hạn tù, và buộc các bị cáo phải bồi thường hơn 1.000 tỉ đồng, số tiền đã gây thiệt hại cho Nhà nước trong từng vụ việc. Cũng tại phiên tòa này, đại diện VKS còn cho rằng, vụ án mới chỉ là phần nổi, còn nhiều vấn đề liên quan đến nhóm tội tham nhũng đang được cơ quan an ninh điều tra làm rõ.

  

Ngay sau khi các bị cáo bị tuyên phạt với các mức án trên, 8 trong số 9 bị cáo đã có đơn kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Phạm Thanh Bình xin giảm nhẹ hình phạt thấp hơn so với mức án kịch khung 20 năm trong bản án sơ thẩm. 

 

Các bị cáo khác cũng làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt đã bị tuyên trong phiên sơ thẩm. Bị cáo duy nhất không làm đơn kháng cáo là Nguyễn Tuấn Dương, nguyên chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đầu tư Cửu Long lĩnh án 3 năm tù giam, do được thay đổi tội danh từ “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang “Sử dụng trái phép tài sản”.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo