Thứ Ba, 21/1/2025
xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Găm hàng vì còn độc quyền

THÁI PHƯƠNG

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra các cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu mà không kiểm tra tận gốc từ đầu mối cung cấp là thiếu sót

Trước thời điểm công bố tăng giá xăng dầu vào chiều 28-8, liên tiếp những ngày qua, tình trạng nhiều cây xăng ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... ngừng bán hàng với lý do cúp điện, hết xăng, trụ bơm hư… lại tái diễn gây bất bình trong dư luận. Theo các chuyên gia, chính cơ chế quản lý xăng dầu nửa vời đang khiến các doanh nghiệp (DN) đầu mối, kinh doanh trong lĩnh vực này hưởng lợi.

Bắt tay nhau găm hàng

Theo Chi cục QLTT TPHCM, kiểm tra các cây xăng nghỉ bán trên địa bàn huyện Củ Chi và Tân Phú cho thấy không ít cây xăng đã cạn hàng nên không thể bán cho khách, riêng mặt hàng dầu vẫn bán bình thường. Chẳng hạn tại cây xăng số 462 Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), sáng 28-8 nghỉ bán và treo bảng “cúp điện”, khi lực lượng QLTT kiểm tra thì điện vẫn có nhưng trong bồn thật sự hết xăng.

Tuy giá xăng dầu đã được tăng từ chiều 28-8 nhưng đến 18 giờ cùng ngày, nhiều đại lý xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn treo bảng hết xăng dầu hoặc bán cầm chừng. Theo chủ các đại lý này, nguyên nhân là do công ty đầu mối cung cấp không đủ xăng dầu để bán.


Trên địa bàn Bình Dương, Đồng Nai, nhiều đại lý xăng dầu ngừng bán cũng với lý do: hết xăng, cúp điện, trụ bơm hư… Một số cây xăng khác chỉ bán mặt hàng dầu. Ông Dương Minh Dũng, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai, cho biết chi cục đã tung lực lượng giám sát và nhận thấy nguyên nhân ngừng bán do hết xăng là có thật. “Chi cục phải can thiệp từ đầu mối, sau đó mới có xăng bán lại cho khách nhưng số lượng không được dồi dào. Lỗi do các đầu mối cung cấp hàng” - ông Dũng cho hay.

Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc một công ty kinh doanh xăng dầu tại quận Tân Bình - TPHCM, bức xúc: Từ cuối tuần trước đến nay, đầu mối cung cấp hàng ngừng xuất bán và không báo giá hoa hồng. Một đại lý xăng dầu ở quận Bình Thạnh cũng cho biết theo định mức, đầu mối phải bán 700 m3 xăng dầu/tháng. Thế nhưng, tháng 8 này, DN ông chỉ nhận được chưa tới phân nửa định mức nên không đủ hàng giao cho cây xăng.
img
Nhân viên trạm xăng Sài Gòn Petro thay bảng giá ngày 28-8

Ngoài nguyên nhân hạn chế nguồn cung, theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng “bắt tay nhau” mua bán khống chờ tăng giá đang xảy ra. Theo đó, các đại lý xăng dầu và DN đầu mối vẫn ký hợp đồng mua bán xăng dầu bình thường nhưng không giao hàng, để kho bồn chứa tại cây xăng hết hàng. Lợi nhuận thu được sau khi xăng tăng giá, đôi bên cùng hưởng. Bằng cách này, QLTT khi kiểm tra chỉ có thể lập biên bản ghi nhận tình hình là hết xăng mà không thể xử phạt...

Trục lợi từ cơ chế

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyện đại lý xăng dầu găm hàng trục lợi, nghỉ bán chờ tăng giá… sẽ khó xử lý triệt để nếu chỉ bằng việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Cả nước có hàng chục ngàn đại lý xăng dầu và họ có đến 1.001 cách găm hàng mà Nhà nước không xử lý được. “QLTT có thể phạt, tước giấy phép kinh doanh nhưng DN vẫn “sẵn sàng” vi phạm bởi họ còn nhiều cách hơn để lách. Từ hết hàng, không bán ngày chủ nhật, nghỉ trưa... làm sao xử phạt nổi?” - một chuyên gia kinh tế đặt vấn đề.

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long phân tích: 70% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước phải nhập khẩu nên giá xăng phụ thuộc vào giá thế giới là dễ hiểu. Tuy nhiên, xăng dầu trong nước lại đang là mặt hàng độc quyền (như Petrolimex chiếm hơn 60% thị phần) nhưng các DN được quyền định giá theo cơ chế thị trường là cách làm nửa vời. “Độc quyền mà để DN quyết định giá là sai nguyên tắc” - TS Long nói.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng vấn đề của xăng dầu hiện nay có vai trò của độc quyền. Cơ quan quản lý sự độc quyền này phải vào cuộc, quy định bắt buộc các DN đầu mối, đại lý phải bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Điều này có thể xử lý được nhưng chưa thấy vai trò của Bộ Công Thương. Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra các cửa hàng bán lẻ, đại lý xăng dầu mà không kiểm tra tận gốc từ đầu mối cung cấp là thiếu sót.
Kiếm lời lớn

Theo các đại lý xăng dầu, hiện hoa hồng cho mỗi lít xăng chỉ còn 50 đồng, thay vì mức tối đa lên tới 300 đồng/lít như trước đây. Đây là một trong những nguyên nhân của tình trạng găm hàng chờ tăng giá để hưởng chênh lệch. Giả dụ, những ngày qua, một đại lý xăng dầu lớn ngừng bán, găm khoảng 100.000 lít xăng (giá xăng RON 92 trước thời điểm tăng giá là 23.000 đồng/lít). Nay giá xăng tăng thêm 652 đồng/lít, lên mức 23.652 đồng/lít, các đại lý sẽ hưởng chênh lệch theo giá mới khoảng 65,2 triệu đồng/100.000 lít. Nếu so với đợt găm hàng ngày 13-8, giá xăng tăng 1.100 đồng/lít, DN kinh doanh xăng dầu còn lời nhiều hơn. 

Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo