Tại cuộc hội thảo ‘‘Khơi thông nguồn vốn’’ tổ chức ngày 30-8 tại TPHCM, TS Trần Du Lịch cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 2,86% cho thấy mục tiêu kéo giảm CPI trong năm nay có thể đạt được. Tuy nhiên, CPI giảm không phải do chi phí sản xuất giảm mà do tổng cầu giảm. “Giảm CPI vừa mừng vừa lo bởi nếu tổng cầu tăng trở lại, CPI sẽ bộc phát ngay nên trong chính sách điều hành phải dè chừng” - ông nói. Do đó, các chính sách điều hành của Nhà nước thời gian tới nên theo hướng kiểm soát lạm phát chủ động, để kích thích CPI tăng lên đúng mục tiêu, khoảng 7% - 8%, giúp thị trường ấm lên.
Tám tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 1,4% nhưng huy động vốn tăng đến 10,26% cho thấy khó khăn của doanh nghiệp (DN) không phải vì thiếu tiền mà do nghẽn tín dụng, không hấp thụ được vốn. Theo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đến cuối tháng 8, cả nước có hơn 35.000 DN phá sản, ngừng hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ. Vì vậy, giải nợ xấu vẫn là điều quan trọng nhất lúc này bên cạnh câu chuyện về hàng tồn kho.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng muốn giải quyết hàng tồn kho, các DN cần mạnh dạn bán giảm giá, tăng khuyến mãi, phối hợp nhóm hàng tạo gói bán hàng hấp dẫn... Song song đó, các DN cần quyết liệt giảm mặt hàng kinh doanh kém hiệu quả để tập trung vốn cho lĩnh vực có ưu thế, tăng chất lượng sản phẩm dịch vụ khách hàng.
Bình luận (0)