Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ đầu năm 2011 đến tháng 6-2012, cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản. Trong 6 tháng đầu năm 2012, số DN giải thể, ngừng hoạt động lên đến 26.324 DN, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, riêng số DN giải thể tăng 35,4%.
Sống dở, chết dở
Số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết hiện đang tồn tại tổng cộng khoảng 86.000 DN không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình phá sản, giải thể theo quy định. Trong số đó, nhiều DN muốn được giải thể, phá sản theo thủ tục thì không thực hiện được; ngược lại nhiều DN thua lỗ, nợ nần cứ âm thầm biến mất trước sự bất lực của các cơ quan quản lý.
Tại TPHCM, Cục Thuế TPHCM cho biết tính từ đầu năm nay đến ngày 31-7, TPHCM có 55.100 DN đã ngừng kinh doanh, trong đó có đến 13.094 DN đang chờ làm thủ tục khóa mã số thuế; 8.863 DN bỏ địa chỉ kinh doanh; 15.279 DN ngưng chưa rõ lý do (trả mặt bằng, không tồn tại ở địa chỉ đăng ký). Trong khi hồ sơ chờ làm thủ tục phá sản đang chất đống, cơ quan thuế không đủ lực lượng để giải quyết thì các DN đã đồng loạt âm thầm “bỏ trốn” vì cách này đơn giản hơn nhiều.
Một doanh nghiệp ở TPHCM bán đất nhà xưởng để cải thiện tình hình làm ăn. Ảnh: HỒNG THÚY
Bị luật ngáng chân
Trên thực tế, lượng DN “chết” nhiều hơn số liệu thống kê nhưng số DN làm thủ tục phá sản, giải thể rất ít. Chẳng hạn, năm 2011 chỉ có 138 vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản, tòa án thụ lý 130 vụ và quyết định mở thủ tục phá sản 112 vụ. Theo số liệu của Tòa Kinh tế TPHCM, trong năm 2011 chỉ thụ lý 11 vụ phá sản DN. Luật Phá sản ra đời năm 1993, được sửa đổi, bổ sung năm 2004 và chuẩn bị sửa tiếp, đến nay chỉ chủ yếu áp dụng cho các DN tư nhân, các hợp tác xã, còn hệ thống pháp luật quy định về giải thể, phá sản DN thì tồn tại nhiều bất cập.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Cần xem phá sản là một rào chắn, là công cụ nhằm loại bỏ những DN quá yếu kém. Trong nền kinh tế thị trường, có những DN làm ăn phát đạt, thành công thì ngược lại cũng có những DN lỗ lã, thất bại; DN thua lỗ rút lui theo đúng quy định của pháp luật là cần thiết, tự nhiên.
Sợ bị tước quyền kinh doanh Theo Luật Phá sản, các ông chủ của DN bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập DN, không được làm người quản lý DN trong thời hạn từ 1-3 năm kể từ ngày bị tuyên bố phá sản. Người giữ chức vụ quản lý, điều hành công ty 100% vốn Nhà nước, người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở DN khác bị tuyên bố phá sản cũng sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ DN Nhà nước cũng như DN có vốn Nhà nước. Vì vậy, không chủ DN nào muốn ra tòa làm thủ tục phá sản để... bị tước quyền kinh doanh, quản lý. Họ âm thầm “chết” để có cơ hội mở DN khác hoặc làm quản lý ở những đơn vị khác.
Kỳ tới: Cần sửa ngay Luật Phá sản
Bình luận (0)