Ngày 31-8, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo giới để cảnh báo về tình trạng gia tăng buôn lậu qua hình thức tạm nhập tái xuất. Trong đó, mặt hàng được đặc biệt lưu ý là xăng dầu.
Thuế càng cao, lợi nhuận càng lớn
Cùng với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu còn được kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu sang các thị trường lân cận và cung ứng cho một số đối tượng như tàu biển, tàu bay khai thác tuyến quốc tế, doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất. Hàng hóa tạm nhập tái xuất được thực hiện tại 2 lãnh thổ hải quan khác nhau, không có mục đích buôn bán để kiếm lời nên được miễn thuế...
Một hình thức ưu đãi khác là thời gian lưu hàng tại cảng lên đến 180 ngày nên các doanh nghiệp xăng dầu rất khéo tính toán chờ lúc thuế cao sẽ xin chuyển tiêu thụ nội địa. Số hàng này được áp thuế tại thời điểm mở tờ khai nhập khẩu nên thuế hiện hành càng cao, doanh nghiệp càng được hưởng lợi từ mức chênh thuế suất tại thời điểm nhập khẩu đến lúc bán hàng. Tổng số thuế trong mỗi lít xăng hiện nay khoảng hơn 6.000 đồng nên 100% số tiền chênh lệch này chảy vào túi doanh nghiệp, trở thành “quỹ riêng” thay vì nộp vào ngân sách.
Theo Cục Hải quan TPHCM, từ tháng 5 đến nay, Bộ Tài chính liên tục tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 3%, 7%, 10% và hiện nay là 12%. Cùng chiều với diễn biến này, sản lượng xăng dầu xin chuyển tiêu thụ nội địa đã tăng gấp 3-4 lần. Mới đây, Hải quan Quảng Ninh đã đề nghị truy thu 28,6 tỉ đồng tiền thuế GTGT của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) từ 397 tờ khai về xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất hết và chuyển sang tiêu thụ nội địa.
Buôn lậu công khai
Không chỉ được hưởng lợi từ các lô hàng được cho phép tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp còn sử dụng chiêu xuất hàng với số lượng lớn ngay tại biên giới, phao số 0, sau đó đưa hàng về Việt Nam để tiêu thụ nội địa.
Tháng 7-2012, lần đầu tiên Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện đường dây buôn lậu xăng khép kín trên vùng biển miền Trung, bắt giữ 2.000 tấn xăng tạm nhập tái xuất đang thẩm lậu vào nội địa. Số hàng này được Công ty Xăng dầu Hàng không tạm nhập tái xuất rồi làm thủ tục tái xuất đi Trung Quốc nhưng sau đó lại bơm sang 3 tàu nhỏ để quay lại tiêu thụ ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hoạt động tạm nhập tái xuất hiện nay không có hiệu quả, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ thu ngân sách và tạo kẽ hở cho buôn lậu. Từ thực tế nhức nhối này, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ ban hành thêm các quy định bịt kẽ hở này như cấm tạm nhập tái xuất tương đồng đối với danh sách cấm của thế giới; “khoanh vùng” doanh nghiệp được phép hoạt động tạm nhập tái xuất với các yêu cầu về vốn, kho bãi ở cả hai đầu, nhân lực… Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề xuất chấm dứt cho tạm nhập tái xuất xăng dầu bằng đường biển.
Tạm nhập nhiều, tái xuất ít Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2006, kim ngạch tạm nhập tái xuất là 1,3 tỉ USD nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã tăng lên 6,3 tỉ USD. Đáng lo ngại là kim ngạch tạm nhập tăng cao nhưng tái xuất rất thấp. Cá biệt năm 2007, nhập vào 1,75 tỉ USD nhưng kim ngạch tái xuất chỉ đạt 250 triệu USD. Kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm đầu năm nay, cơ quan chức năng cũng nhận thấy có 1.010 lô hàng đã quá 180 ngày tạm nhập nhưng chưa được tái xuất theo quy định.
Bình luận (0)