Lịch sử đã chứng minh cụ thể những nhân tố làm nên sức mạnh vĩ đại của cuộc cách mạng đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh như một nhà biên kịch tài ba, đã phóng bút viết một kịch bản hoàn chỉnh cho cuộc cách mạng này.
Một kịch bản hoàn chỉnh
Lịch sử ghi lại rằng: Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ nước Nga đưa ra quan điểm: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” và tiên đoán cuộc cách mạng ở Việt Nam sẽ diễn ra như sau: “Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng, nổ ra trong TP theo kiểu các cuộc cách mạng châu Âu, chứ không phải nổ ra đột ngột ở biên giới Trung Quốc theo phương pháp của các nhà cách mạng trước đây”. 21 năm sau, cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 diễn ra đúng như vậy.
Năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc viết “Diễn ca Lịch sử nước ta” kết thúc bằng câu: “45 sự nghiệp hoàn thành”. Bốn năm sau đó, câu thơ trở thành hiện thực.
Ngay sau khi cuộc khởi nghĩa đã hoàn thành, Tuyên ngôn Độc lập được khẩn trương soạn thảo và ấn định vào ngày chủ nhật 2-9-1945 để tuyên bố trước toàn dân và quốc tế, đúng ngày phát xít Nhật ký kết văn bản đầu hàng Đồng minh và trước ngày quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật. Đó là tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử cũng ghi nhận: Tối 13-8-1945, ngay khi vừa nghe tin phát xít Nhật đầu hàng, Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đã ban bố Quân lệnh số 1: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến!... Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.
tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, ngày 1-9-2012 _Ảnh: TTXVN
Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội được triệu tập tại Tân Trào thành lập Ủy ban Giải phóng Dân tộc - tiền thân của chính quyền cách mạng, định quốc kỳ và quốc ca. Quốc dân Đại hội ra lời hiệu triệu: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Đơn vị vũ trang Đại đội Việt - Mỹ làm lễ xuất quân và Nam tiến, hướng về đánh quân Nhật đồn trú ở Thái Nguyên... Lịch sử ghi tiếp: ngày 18-8, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Nam khởi nghĩa giành chính quyền; 19-8, Hà Nội tổng khởi nghĩa...; 23-8, kinh đô Huế và tỉnh Thừa Thiên khởi nghĩa...; ngày 25-8, TP Sài Gòn về tay nhân dân...; Ngày 30-8, tại Huế, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị...
Diễn biến của cuộc khởi nghĩa trên toàn quốc diễn ra như một cơn lốc. Và trong một thời gian dài, người viết sử phóng bút viết về sự kiện vĩ đại này như một kịch bản hoàn chỉnh thể hiện rất đậm nét theo trình tự từ trên xuống dưới, từ Bắc vào Nam, từ Trung ương xuống địa phương, thể hiện rõ nguyên lý kinh điển: Có đường lối đúng, có sự lãnh đạo sát sao thì mọi chủ trương đều thành hiện thực nhờ kỷ luật chặt chẽ của tổ chức cách mạng...
Sự sáng tạo cách mạng
Trong hồi ức của mình, GS Trần Văn Giàu, năm 1945 là người chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn, cũng thuật lại rằng cho đến lúc quyết định khởi sự cuộc nổi dậy giành chính quyền thì Nam Bộ vẫn chưa nhận được lệnh của Trung ương. Với Sài Gòn, cũng như toàn Nam Bộ mới trải qua thất bại đẫm máu của khởi nghĩa Nam Kỳ thì càng không thể manh động. Nhưng tin tức từ Hà Nội và nhiều địa phương khác khiến những người lãnh đạo quyết định hành động. Và Sài Gòn đã giành được chính quyền trong ngày 25-8, chỉ cách một tuần sau Hà Nội!
Dân và dân tộc
Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi có vai trò quyết định của Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là một chiến sĩ cộng sản quốc tế lão luyện Hồ Chí Minh. Nhưng cách mạng thành công chính là nhờ những người cộng sản biết đặt dân tộc lên trên hết, vượt qua được bất cập của những tư tưởng giáo điều.
Đảng ấy đã lấy việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân làm sức mạnh bằng việc thành lập Mặt trận Việt Minh làm tổ chức lãnh đạo công khai. Tháng 11-1945, Đảng sẵn sàng “tuyên bố tự giải tán” (rút vào hoạt động bán công khai), các bộ trưởng cộng sản sẵn sàng “nhường ghế” cho các nhân sĩ có uy tín; chủ động ủng hộ thành lập các đảng “anh em” như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội, trong đó có hạt nhân là những người cộng sản để mở rộng lực lượng cho cách mạng; chủ động chấp nhận các đảng phái đối lập tham gia Quốc hội để tự bị đào thải trước thực tiễn thử thách của thời cuộc và sự chứng kiến của nhân dân.
Một cuộc cách mạng thu hút được tất cả các lực lượng dân tộc, từ những người nghèo khổ đến những người giàu có, từ hạng thứ dân đến các tầng lớp trí thức, quan lại, hoàng tộc và chính cả nhà vua. Từ chiến khu lần đầu tiên đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn nơi ở đầu tiên là nhà của một người thuộc loại giàu nhất ngụ tại một phố giàu nhất của thủ đô và trong đêm giao thừa đầu tiên sau ngày độc lập, Bác lại đến thăm hỏi và chúc tết những người nghèo nhất ở thủ đô.
Với một thể chế chính trị tiên tiến dân chủ - cộng hòa, một nhà nước hiện đại “của dân - do dân - vì dân” đã ra đời với một tiến trình dân chủ hóa mạnh mẽ cùng sự ra đời của một Quốc hội và bản Hiến pháp 1946 cho đến nay vẫn mang giá trị kinh điển với lời nói đầu nêu rõ: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ... và phải xây dựng trên nguyên tắc dưới đây: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo - bảo đảm các quyền tự do dân chủ - thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
Nhà nước ấy sớm đưa ra thông điệp “muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không muốn gây sự với ai” và sẵn sàng mở cửa hội nhập với thế giới hiện đại: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hiệp Quốc”.
Biết tin và dựa vào sức mạnh của dân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, sáng tạo vượt trên những giáo điều... là những nhân tố quyết định thắng lợi ở mọi thời đại. |
Sự lựa chọn lịch sử Lịch sử cho thấy vào thời điểm quyết định nhất của cách mạng, người đứng đầu Mặt trận Việt minh đã lựa chọn đồng minh cho mình là Mỹ và trong diễn biến của những ngày tháng 8-1945 lịch sử thì quân đội Mỹ là đồng Minh duy nhất sát cánh cùng Việt minh đánh Nhật. Sự lựa chọn này có ý nghĩa quan trọng là khẳng định vị thế của cách mạng Việt Nam là đứng về phe Đồng minh chống phát xít để tạo ra một địa vị pháp lý là những người chiến thắng trong cuộc thế chiến thứ hai. Khi lựa chọn mô hình cho nhà nước độc lập của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn thể chế dân chủ - cộng hòa được xây dựng trên nguyên lý “của dân - do dân - vì dân” gắn với tên tuổi vị tổng thống Mỹ Abraham Lincohn và chủ nghĩa Tam Dân gắn với tên tuổi nhà cách mạng dân chủ tư sản Trung Hoa Tôn Trung Sơn. |
Bình luận (0)