xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Động đất đe dọa thủy điện Sông Tranh 2

Thúy Phương - Nguyễn Quyết

Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy trong hơn một năm qua, có đến 58 trận động đất xảy ra xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2

img
Sau những trận động đất vào sáng 6-9, người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam không dám vào nhà. Ảnh: Thúy Phương
Khoảng 7 giờ 15 phút ngày 6-9, tại huyện Bắc Trà My - Quảng Nam lại xảy ra nhiều trận động đất làm người dân hoảng hốt.

“Động đất miết, sao sống nổi!”

Cảm nhận những trận động đất rõ nhất là hàng trăm hộ dân sống dưới chân thủy điện Sông Tranh 2. Chị Trần Thị Thuận (ngụ xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My), chủ quán cà phê, kể lại với giọng vẫn còn hốt hoảng: ‘‘Khách đang ngồi uống cà phê trong quán thì nghe tiếng nổ ầm ầm nên chạy loạn xạ ra đường, ly tách rung bần bật, bàn ghế lắc mạnh. Đứa con nhỏ của tôi đang ngủ cũng bật dậy khóc thét. Động đất miết, sao sống nổi!”.
Theo chị Thuận, người dân nơi đây đang sống trong tâm trạng bất an vì động đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Chính quyền phải có giải pháp, chứ không thì hậu quả khó lường” - chị Thuận nói.

Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền huyện đã có báo cáo gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam về sự việc trên. “Quan điểm của huyện là phía thủy điện Sông Tranh 2 và các cơ quan chức năng phải tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ hiện tượng động đất; đồng thời giải thích và cảnh báo một cách minh bạch, rõ ràng thì mới có thể làm an lòng dân” - ông Phong nhấn mạnh.

Theo ông Phong, việc cơ quan chức năng họp kín và không công bố thông tin kịp thời sẽ gây khó khăn trong công tác an dân cũng như ổn định tình hình của địa phương. “Khi họp báo về sự an toàn của thủy điện Sông Tranh 2, cơ quan chức năng cần tổ chức tại huyện Bắc Trà My để chúng tôi truyền thanh trực tiếp cho người dân nghe thì họ mới an tâm” - ông Phong kiến nghị.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, những cơn mưa lớn trong những ngày qua đã làm sụt lún một số nơi sát thân đập thủy điện Sông Tranh 2. Ngoài ra, một số điểm trên tuyến đường từ huyện Bắc Trà My đi huyện Nam Trà My cũng bị sạt lở, gây cản trở giao thông. 

Cảnh báo thủy điện Sông Tranh 2

Chiều 6-9, ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ - ngành ở Trung ương để báo cáo tình hình động đất liên tục xảy ra tại huyện Bắc Trà My trong những ngày qua. Ngoài ra, chính quyền tỉnh này cũng đề xuất khẩn trương cho lắp đặt hệ thống quan trắc động đất tại khu vực huyện Bắc Trà My để cảnh báo kịp thời, bảo vệ tính mạng cho người dân.
“Các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm lập đoàn kiểm tra vào huyện Bắc Trà My để khảo sát tình hình động đất cũng như những vấn đề liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2” - văn bản nêu.

Cùng ngày, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ra thông cáo báo chí cho biết nguyên nhân xảy ra động đất có thể do có những bất ổn tại đứt gãy kiến tạo Trà Bồng, Hưng Nhượng - Tà Vi, nằm trong phạm vi vùng hồ của thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi xảy ra các đợt rung chấn do động đất, EVN đã kiểm tra các hạng mục công trình của thủy điện Sông Tranh 2 và nhận định các đợt rung chấn vừa qua không gây ảnh hưởng đến công trình.

“EVN ý thức được việc bảo đảm an toàn cho công trình và cuộc sống của người dân ở khu vực hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 là cực kỳ quan trọng. Để chủ động ứng phó, phòng ngừa rủi ro, Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 và EVN đã phối hợp chặt chẽ với Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt 4 trạm quan trắc động đất trong thân đập để ghi nhận, đánh giá và phân tích khi động đất kích thích xảy ra” - thông cáo nêu. 

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), những trận động đất nêu trên có cường độ mạnh nhất là 3,4 Richter, nằm ở tâm chấn 15,388 độ vĩ Bắc - 108,120 độ kinh Đông, gần khu vực đập thủy điện Sông Tranh 2.
“Đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế với độ kháng động đất cấp 8 trên bề mặt. Trận động đất có cường độ lớn nhất (4,2 Richter) xảy ra gần đây tại khu vực này mới chỉ ở cấp 6, gần tới cấp 7 nên không gây nguy hiểm cho thủy điện Sông Tranh 2. Tuy nhiên, cũng phải đề phòng vì quan trắc cho thấy động đất có xu hướng mạnh dần lên ở khu vực này” - ông Phương cảnh báo.
Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu cho thấy trong hơn một năm qua, có đến 58 trận động đất xảy ra xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Riêng ngày 3 đến 6-9, đã xảy ra 12 trận động đất ở đây.
Hôm nay (7-9), hai đoàn khảo sát của Viện Vật lý Địa cầu sẽ điều tra tại huyện Bắc Trà My nhằm xây dựng bản đồ các đường lập chấn để đánh giá và dự báo độ lớn cực đại của khu vực.

Làm gì khi có động đất?

Trong ngày 6-9, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đã có văn bản phổ biến một số kiến thức và biện pháp ứng phó với động đất gửi 18 huyện, TP trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nêu rõ: Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập thì vẫn có không khí để thở.
Không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi nhà nếu cần. Đối với nhà cao tầng, không di chuyển bằng thang máy để đề phòng mất điện, đồng thời lấy các vật che trên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu.
Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì phải lánh nạn tại những bãi đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, cây to và đường dây điện...
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo