Nguyên Ngọc đến với giáo dục đúng vào lúc giáo dục nước nhà đang xuống cấp nặng nề. Đó là vào đầu những năm 2000, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mời GS Hoàng Tụy đến trao đổi và gợi ý nên mở một cuộc thảo luận trong một số anh em trí thức để đi đến một kiến nghị chính thức về cải cách giáo dục.
Theo lời Đại tướng, GS Hoàng Tụy đã mời Nguyên Ngọc cùng một số anh em trí thức trong và ngoài nước tham gia thảo luận, sau đó thảo một bản kiến nghị chấn hưng, cải cách giáo dục gửi đến các cấp lãnh đạo Trung ương. Trong bản kiến nghị đó, Nguyên Ngọc đề nghị lập một số trường ĐH “hoa tiêu” theo mô hình của các trường ĐH tiên tiến trên thế giới để giúp dần dần thay đổi nền ĐH quá cũ kỹ, quá ù lì của nước ta.
Tôn chỉ mục đích của Trường ĐH Phan Châu Trinh là kết hợp chặt chẽ giữa trung tâm văn hóa - trung tâm khoa học - trung tâm giáo dục chứ không phải tách rời việc nghiên cứu khoa học và phát triển văn hóa của đất nước, địa phương, khu vực với việc giảng dạy trong nhà trường.
tại lễ trao Giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh vào tháng 11-2011 tại TPHCM Ảnh: TẤN THẠNH
Bắt đầu từ một ý định tốt đẹp nhưng trong những năm đầu, Trường ĐH Phan Châu Trinh đã gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những trở ngại chính là cơ chế trường ĐH tư hiện nay. Đến nay, theo quy định của Chính phủ, trường ĐH tư hoàn toàn được xem như một công ty cổ phần, người nào có vốn lớn sẽ quyết định phương hướng phát triển của trường.
Ngay từ đầu, các nhà trí thức lớn tham gia Hội đồng Sáng lập Trường ĐH Phan Châu Trinh đã bị “loại” vì không phải là những người góp vốn! Trong HĐQT của trường, những người có số vốn lớn hơn thì đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận là chính, thực tế đã khống chế và đưa trường đi theo hướng trái với mục tiêu đề ra từ đầu.
Mâu thuẫn nảy sinh từ đó đã khiến trường không phát triển được như mong muốn.
Hết mình vì sự nghiệp giáo dục
Đến nay, sau nhiều cuộc đấu tranh kiên trì và vất vả, Trường ĐH Phan Châu Trinh đã thay đổi được cục diện, tạo được điều kiện cơ bản để có thể quay lại với lời hứa trước xã hội khi thành lập. Đại hội cổ đông họp cuối tháng 12-2010 đã bầu một HĐQT mới cùng chung ý hướng về một trường ĐH theo tinh thần khai sáng. Đặc biệt, trong HĐQT có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch nước, có uy tín lớn, hết sức tâm huyết và rất giàu kinh nghiệm về giáo dục.
Khi Trường ĐH Phan Châu Trinh thực sự bước sang một giai đoạn mới, Nguyên Ngọc rời Hà Nội về Hội An, sống trong một căn phòng nhỏ ở khuôn viên của trường để cùng “sống” hằng ngày, hằng giờ với từng nhịp đập của ngôi trường mà ông đã dấn thân xây dựng. Ông quan niệm dạy con người cách học chứ không chỉ dạy kiến thức, kiến thức rồi có thể quên đi nhưng còn lại phải là cái lõi tinh thần của kiến thức đó, đặc biệt là ý chí và cách đi tìm ra kiến thức mới mà thế giới ngày càng phô ra bất tận trước con người. Người ta không thể ngồi ở trường suốt đời nhưng lại phải học suốt đời...
Với triết lý giáo dục như vậy, ngôi trường mà ông xây dựng mang một diện mạo riêng, đó là vẫn đào tạo đa ngành để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời xác định một số ngành mũi nhọn như du lịch cấp cao, ngữ văn truyền thông, ngoại ngữ mạnh (tiếng Anh, tiếng Trung)… và đặc biệt quan tâm đến việc tạo một cơ sở tri thức nhân văn tốt cho tất cả sinh viên, dù học ở ngành nào.
Với Nguyên Ngọc, cơ sở nhân văn hết sức cần thiết cho sự phát triển vững chắc và lâu dài của con người. Những năm gần đây, số lượng thí sinh dự thi khối C nói riêng và ngành khoa học xã hội - nhân văn ngày càng thưa dần, tụt dài đến đáng báo động. Tuy nhiên, lại không có lời báo động thích đáng, nhất là ở những nơi có trách nhiệm chính.
Nguyên Ngọc cho rằng một xã hội quay lưng lại với những gì liên quan đến đời sống tinh thần thì sẽ suy thoái. Bởi vậy, ông kiên định giữ vững và cố gắng đẩy mạnh hơn nữa khoa xã hội - nhân văn của trường dù biết mình đang hướng mọi người đi ngược dòng nước, nhưng nghĩ cố gắng làm tốt thì cũng là góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội.
Quả ngọt
Là người có uy tín và được bạn bè mến mộ, Nguyên Ngọc đã đích danh mời được đông đảo các nhà văn hóa và các nhà khoa học về tham gia hội đồng tư vấn của trường, sẵn sàng đến giảng dạy và làm việc với sinh viên, giúp trường và giúp các em mở rộng tri thức, như nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, các GS và TS Hoàng Tụy, Phạm Duy Hiển, Chu Hảo, Nguyễn Đăng Hưng, Hồ Tú Bảo, Vũ Thành Tự Anh...
Mới đây, ông cũng mời được TS Nguyễn Thị Từ Huy, tốt nghiệp ĐH Sorbonne (Paris - Pháp), chuyên gia hàng đầu về lý luận văn học ở nước ta hiện nay, về trường giữ chức vụ Trưởng Khoa Xã hội - Nhân văn với mong muốn sẽ phát triển hơn nữa ngành khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời xây dựng một hình ảnh mới về ngành này tại Trường ĐH Phan Châu Trinh.
Đến nay, sự dấn thân của ông cho giáo dục đã có những câu trả lời đầu tiên qua những kết quả đạt được của việc đào tạo. Khóa đào tạo đầu tiên của Trường ĐH Phan Châu Trinh (2007-2011), hầu hết sinh viên các khoa kinh tế, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ được nhận vào làm ở các ngân hàng, công ty lớn. Đặc biệt, khoa ngoại ngữ, 100% sinh viên tiếng Trung và hơn 90% sinh viên tiếng Anh đã có việc làm với thu nhập cao. Một số sinh viên khoa kinh tế đã thử sức với công việc ở nước ngoài và đạt được những thành công đáng kể. Khóa đào tạo thứ hai của trường (2008-2012) vừa tốt nghiệp trong tháng 6-2012 nhưng 100% sinh viên ngành tiếng Trung đã có việc làm thu nhập cao…
Với những kết quả bước đầu như vậy trong giáo dục, có thể tin rằng chương cuối trong cuốn tiểu thuyết về “huyền thoại Nguyên Ngọc” sẽ là một chương đẹp không chỉ với riêng ông mà còn có ý nghĩa với sự phát triển giáo dục nước nhà. Chương ấy sẽ mở ra và khơi dậy ở những thế hệ trẻ nối tiếp sự nghiệp giáo dục của Nguyên Ngọc một con đường phát triển mới mà ông là người đi tiên phong và dấn thân trong những năm qua và những năm sắp tới.
Người thầy, người bạn của sinh viên
Để phát triển giáo dục, ngoài những việc ở tầm vĩ mô, Nguyên Ngọc còn làm những việc nhỏ, rất cụ thể, đôi khi với từng sinh viên. Có thể kể ra nhiều câu chuyện, chẳng hạn, một sinh viên muốn làm đề tài khoa học về thiên nhiên trong thơ Đoàn Văn Cừ nhưng lại không có đầy đủ tác phẩm của nhà thơ, ông biết được và đã trực tiếp liên hệ với gia đình nhà thơ để giúp sinh viên đó có được toàn bộ tác phẩm của Đoàn Văn Cừ. Nguyên Ngọc cũng là người đã từng ngồi chép lại cho một sinh viên những trang văn mà ông cho là “hay nhất trong tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (của Bảo Ninh)” và dẫu rất bận nhưng ông sẵn sàng lắng nghe tâm sự cũng như chia sẻ với sinh viên của mình về hướng phát triển của các em. Mới đây, khi đọc luận văn tốt nghiệp của một sinh viên về đề tài trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, Nguyên Ngọc đã nhận ra tâm hồn yêu trẻ và một tư duy mới mẻ về giáo dục của sinh viên này khi em đề xuất hình thức giảng dạy ở tiểu học nên hướng đến việc tổ chức cho học sinh chơi những trò chơi truyền thống. Nguyên Ngọc đã giới thiệu sinh viên này với nhóm Cánh Buồm để em có thể thực tập sư phạm và tìm hiểu về bộ sách mới mà nhóm đã thực hiện dành cho tiểu học. Và sau 2 tháng trở lại Hội An, sinh viên này đã chủ động đến với những lớp học dành cho trẻ em mồ côi, xung phong đem sách giáo khoa mới ra thực hành. Những chuyện cụ thể như vậy có thể kể ra rất nhiều và hầu hết những sinh viên từng được làm việc với Nguyên Ngọc đều có được ảnh hưởng rất lớn từ ông về tư duy. Sinh nhật lần thứ 80 của nhà văn Nguyên Ngọc được tổ chức tại Trường ĐH Phan Châu Trinh Ảnh: KHIẾU THỊ HOÀI |
Bình luận (0)