Duyên phận với nghề
Nghệ nhân Lê Tiến Dũng sinh ra và lớn lên ở Hải Dương. Sau khi xuất ngũ, ông cùng gia đình ở lại Sài Gòn lập nghiệp. Ông Dũng nhớ lại: “Năm 18 tuổi, tôi thi đậu vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Một lần tình cờ, tôi học lỏm được nghề điêu khắc của người thợ ở quê. Khi đó, tôi chỉ nghĩ học điêu khắc để bổ sung kỹ năng cho ngành học của mình. Vậy mà sự tình cờ đó đã cho tôi “vốn liếng” để gắn bó với nghề khắc chữ”.
20 năm trước, cây bút được xem là quà tặng có giá trị nên ai cũng muốn khắc chữ lưu lại kỷ vật. Mấy mươi năm nay, ông Dũng đã khắc không biết bao nhiêu chiếc bút học trò, những món đồ quý giá với lời yêu thương, kính trọng mà mọi người dành tặng nhau. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là động lực giúp nghệ nhân Dũng gắn bó với nghề khắc chữ đến tận bây giờ.
Đôi bàn tay điêu luyện
Với nghề khắc chữ, người thợ cần phải viết chữ đẹp và lòng say mê thực thụ. Trải qua ngần ấy năm kinh nghiệm, ông Dũng cho biết: “Khi khắc chữ, điều khó nhất là phải phối hợp giữa ngón cái, ngón trỏ của tay trái với 5 ngón tay phải thật nhuần nhuyễn; từng nét chữ, đường cong phải bay bướm. Hơn nữa, phải tập trung để cân đối diện tích hình khối trong đầu, sơ ý là hỏng ngay”.
Tùy vào ý đồ của khách mà trên từng vật phẩm, ông Dũng đều có cách khắc từng nét chữ khác nhau, có khi thì bay bổng, nhảy nhót hoặc dứt khoát, rõ ràng... Khi được hỏi về những khó khăn trong nghề, ông Dũng cười: “Nghề này không cực nhưng với những chi tiết chi li phải tập trung cao độ, rất dễ ảnh hưởng đến mắt”.
Ông Dũng kể: “Năm 1980, ngoài thị trường chưa có máy khắc chữ như bây giờ. Khi đó, tôi phải lấy mũi khoan mài nhọn như mỏ chim đại bàng và dùng sức để khắc, để hoàn thành một tác phẩm phải mất rất nhiều thời gian”. Đến khi máy khắc chữ xuất hiện thì ông không mua về sử dụng mà tự mày mò chế tạo cho mình những chiếc máy riêng bằng ống nhựa, mũi kim nha khoa và các motor máy cũ, tất cả đều chạy bằng bình ắc-quy. “Tôi muốn chế tạo riêng cho mình những chiếc máy khắc để cảm thấy phù hợp và tự tin hơn khi thể hiện từng nét chữ”- ông bộc bạch.
Đa dạng sản phẩm
Hiện nay, khách hàng của ông Dũng cũng rất đa dạng, không chỉ là khách vãng lai mà còn có cả các cửa hàng trang sức, quán ăn hoặc các trường học, nhà hàng tiệc cưới cùng các kỷ vật như nhẫn, đũa, kỷ niệm chương... Đặc biệt, một số khách nước ngoài cũng đặt hàng cho ông với số lượng lớn để làm quà tặng khi về nước.
Song song với sự đa dạng về các món quà lưu niệm thì nhu cầu khắc chữ trên quà tặng cũng phát triển hơn trước. Không chỉ bó hẹp ở một vài chất liệu, ông Dũng còn cố gắng tìm ra cách khắc hình, chữ trên mọi chất liệu như nhựa, inox, kính, tranh cát, tranh gạo, tranh sơn mài... Ông còn khắc chữ trên nanh heo, ngà voi, thạch anh.
Anh Nguyễn Công Cường (Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1- TPHCM), một khách hàng của ông Dũng, nhận xét: “Vì muốn có món quà ý nghĩa tặng cho mẹ vào sinh nhật nên qua lời giới thiệu của người bạn, tôi mua một chiếc vòng tay đến nhờ ông Dũng khắc. Nhìn ông khắc từng nét chữ tỉ mỉ, cẩn thận trên chiếc vòng, tôi không thể chê vào
đâu được”.
Nghệ nhân Lê Tiến Dũng tâm sự: “Trong tương lai, tôi mong muốn mở một cửa hiệu khắc chữ với đầy đủ đồ nghề để có thể đào tạo, nâng cao tay nghề cho những ai có lòng đam mê, muốn gắn bó với nghề này”. |
Bình luận (0)