“Tử thần” gọi, bác sĩ pháp y trả lời
Phòng làm việc của các bác sĩ, kỹ thuật viên pháp y tuềnh toàng, lạnh lẽo. Là một trong những khoa chủ lực của Viện Pháp y Quốc gia nhưng Khoa Khám nghiệm chỉ có 3 người thuộc biên chế chính thức. “Ai vào đây một thời gian cũng bỏ việc cả. Họ không chịu được áp lực công việc cũng như bị ám ảnh bởi những tử thi” - bác sĩ Châu giải thích.
Khoa chỉ 3 nhân sự nhưng lúc nào cũng phải có ít nhất 2 người túc trực để xử lý các tình huống bất ngờ. “Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận những tin tức chết chóc, những tử thi vô thừa nhận, những vụ án mạng rùng rợn. Quẩn quanh với các tử thi mãi nên công việc này đã trở nên quen thuộc với chúng tôi. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng hễ “tử thần” gọi là anh em mình phải trả lời” - bác sĩ Châu tâm sự.
“Những vụ rùng rợn, đáng sợ nhất thì chúng tôi lại phải lao vào. Kể cả phải ngâm mình dưới nước để phẫu tích tử thi khi đỉa cắn dưới chân, dòi bọ bò quanh người cũng phải chấp nhận. Chúng tôi cũng không được phép từ chối những tử thi mang mầm bệnh, thậm chí cả HIV” - TS Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, nói.
“Đồ tể” giúp đời
Bác sĩ Châu cho biết nhiều người xem ông và các bác sĩ pháp y nói chung là những kẻ “máu lạnh” vì trước nhiều cái chết thương tâm, những tử thi thối rữa..., ông và đồng nghiệp vẫn phải bình thản, lạnh lùng. Tuy nhiên, ông bộc bạch: “Nghề này nếu ai sợ hay có máu nóng thì không thể làm được. Nhờ chiến thắng nỗi sợ hãi, tôi mới bám trụ được hơn 30 năm nay với cái nghề mà chỉ nghe thôi, người ta đã thấy hãi hùng”.
Tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa ở Liên Xô về, ông Châu nhận công tác tại bộ phận khám nghiệm Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Ông đã tiếp xúc với đủ loại tội ác và nhiều vụ án mạng ghê rợn qua những năm tháng khám nghiệm tử thi trong các vụ án hình sự. Sau đó, ông chuyển về Viện Pháp y Quốc gia.
Cùng là ngành y nhưng trong khi bác sĩ làm việc ở các cơ sở khám - chữa bệnh được ca ngợi là “lương y” thì bác sĩ pháp y lại bị gọi là “đồ tể”. Trong cuộc đời làm nghề của mình, bác sĩ Châu không ít lần phải đối diện với những ánh mắt thiếu thiện cảm. “Nhiều người biết chúng tôi làm nghề này chẳng muốn ngồi gần, chẳng muốn tiếp xúc, nói chuyện” - ông Châu cảm khái.
Các bác sĩ pháp y phẫu tích tử thi một vụ tai nạn máy bay. Ảnh: VIỆN PHÁP Y QUỐC GIA
Bác sĩ Châu vẫn khắc cốt ghi tâm chuyện khám nghiệm sai lệch sẽ dẫn đến những bi kịch cho cuộc đời của những người vô tội. Trong giới pháp y, đã từng có những bài học đắt giá khi bác sĩ cố tình làm sai lệch vụ việc và phải đánh đổi bằng cả cuộc đời. “Làm nghề này, nếu sợ thì không làm được nhưng chưa đủ. Nếu không có cái tâm trong sáng thì bác sĩ pháp y sớm muộn gì cũng phải trả giá” - ông thổ lộ.
Nghề “mời cũng không ai làm” Khám nghiệm tử thi những người mới chết có thể tốn thời gian hơn nhưng không ám ảnh bằng những vụ phẫu tích xác đã phân hủy. “Mùi tử khí có thể bám trên cơ thể chúng tôi cả tuần. Vì vậy, quần áo, giày dép, vật dụng khi khám nghiệm đều phải vứt hết... Nhiều người hỏi tôi rằng có yêu nghề này không mà sao bao lời mời từ các bệnh viện, tôi đều từ chối? Tôi chỉ trả lời họ đơn giản rằng tôi đã làm việc này 30 năm rồi” - bác sĩ Châu cho biết. Điều mà TS Dương, bác sĩ Châu và những người có tâm huyết với nghề pháp y trăn trở là công việc này “mời cũng không ai làm” nên rất khó kiếm người kế cận. “Nếu những người như bác sĩ Châu không còn sức khỏe để làm nghề này nữa hay về hưu thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới tìm được người thay thế” - TS Dương lo ngại. |
Bình luận (0)