Thắc thỏm gửi con nhóm trẻ gia đình
Với thu nhập của CN hiện nay, tìm chỗ gửi con đàng hoàng là một vấn đề nan giải. Hết thời gian nghỉ thai sản, chị Nguyễn Thị Mỹ Kim, CN Công ty Hong Ik Vina - KCX Tân Thuận, chẳng biết làm sao. Mẹ chồng đã mất, còn mẹ ruột của chị đã gần 70 tuổi lại đau yếu nên không thể giữ cháu. Chẳng có trường nào nhận giữ đứa trẻ vài tháng tuổi, chị đành phải gửi con cho một người cùng dãy trọ. Chị than thở: “Bà cụ vào trông cháu nội thấy hoàn cảnh của tôi quá neo đơn nên nhận trông cháu giùm luôn. Bà cũng có tuổi, không biết có xoay xở nổi với 2 đứa trẻ không...”.
Cũng có hoàn cảnh như vậy, chị Nguyễn Thị Oanh, CN Công ty CP Bông Bạch Tuyết - KCN Vĩnh Lộc, phải gửi con ở một nhóm trẻ gia đình gần nhà trọ. “Chi phí gửi cháu là 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền sữa. Hôm nào làm thêm hay muốn tăng ca tôi phải trả thêm tiền mỗi buổi là 20.000 đồng. Tính ra tiền gửi con đã gần hết thu nhập của tôi”- chị Oanh kể. Khi chúng tôi đề cập chất lượng của nhóm trẻ, chị Oanh lắc đầu: “Họ chỉ giữ và cho ăn chứ có dạy dỗ gì đâu? Gần đây nghe nhiều đứa bé bị tai nạn ở các nhóm trẻ tư nhân, vợ chồng tôi lo lắm nhưng không biết làm sao”.
Vợ chồng anh Nguyễn Hữu Đức, Công ty CCHTop - KCX Tân Thuận, thì gửi con về Bến Tre cho bà nội. Mỗi tháng, vợ chồng anh gửi về 2 triệu đồng phụ tiền sữa và để bà chi tiêu. “Có bà giữ thì yên tâm nhưng xa con vợ chồng tôi buồn lắm. May mà quê gần nên vài ba tuần vợ chồng lại về thăm con chứ công ty có nhiều anh chị ở miền Trung, miền Bắc, cả năm mới về quê gặp con được một lần”- anh Đức kể.
Xây nhà trẻ cho con CN
Trường Mầm non Công lập Đồng Xanh do Công ty CP KCN Hiệp Phước xây dựng vừa khai giảng mới đây không chỉ làm phụ huynh vui mà nhiều doanh nghiệp cũng phấn khởi. Đây là ngôi trường mầm non đầu tiên dành cho con CN được công ty hạ tầng xây dựng bàn giao lại cho Phòng Giáo dục huyện Nhà Bè quản lý. Với diện tích 640 m2, trường nhận 150 bé.
Ngày đưa con đến lớp, chị Lý Thị Hiên, Công ty Giấy Xuân Mai - KCN Hiệp Phước, phấn chấn: “Bàn nghế, thiết bị đều mới, sạch sẽ. Có rất nhiều trò chơi dành cho các bé. Đặc biệt, các cô giáo rất nhiệt tình, chu đáo”. Quê ở Tiền Giang đến KCN Hiệp Phước làm việc, vợ chồng chị Hiên có con trai 2 tuổi. Trước đây, chị phải gửi con ở nhóm trẻ gia đình gần nhà trọ nhưng sau đó không yên tâm về điều kiện nuôi dạy, vợ chồng chị lại cho bé về quê. Chị Hiên vui vẻ: “Nay có trường công lập, vợ chồng tôi đón con lên đi học để con được gần cha mẹ”.
Ông Đoàn Hồng Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Hiệp Phước, cho biết: “Trường công thì quá tải, trường tư thì chi phí lại quá cao so với thu nhập của CN, còn các nhóm trẻ gia đình thì không bảo đảm về chất lượng, an toàn cho các cháu. Đứng trước vấn đề này, KCN Hiệp Phước quyết định dành tầng trệt của block nhà lưu trú làm nhà trẻ cho con CN. Không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng, chúng tôi còn trang bị đầy đủ các trang thiết bị cho các cháu học. Đây là một sự chia sẻ, giúp CN an tâm làm việc”.
ÔNG LÊ MINH TRÍ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TPHCM: Nhân rộng mô hình nhà trẻ KCN Hiệp Phước Gửi con nhà trẻ đang là vấn đề bức xúc của rất nhiều CN hiện nay. Có yên tâm về chỗ gửi con, CN mới có thể làm việc tốt, gắn bó với doanh nghiệp. Vì thế, UBND TP rất hoan nghênh sự chia sẻ này của Công ty CP KCN Hiệp Phước. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp có điều kiện chung tay xây dựng nhà trẻ để chia sẻ khó khăn cùng CN. Mô hình nhà trẻ KCN Hiệp Phước cần được nhân rộng đến các KCX - KCN, các doanh nghiệp khác trên địa bàn TP. |
Bình luận (0)