Ngày 12-9, nguồn tin Báo Người Lao Động cho biết Công an TP Mỹ Tho - tỉnh Tiền Giang đã vào cuộc làm rõ trường hợp sản phụ Trần Thanh Nguyệt (SN 1980, ngụ xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo) tử vong cùng với thai nhi trong bụng tại Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang.
Thai chết lưu vẫn để... chờ sinh
Sau khi nhập viện, sản phụ được cho siêu âm và bác sĩ Mỹ Hạnh kết luận: “ Một thai lưu trưởng thành, ngôi đầu, tim thai không cử động”. Bác sĩ Dương Phi Loan cũng ghi chẩn đoán: “Thai lưu trưởng thành” và “tim thai không nghe”.
Trao đổi với phóng viên, một bác sĩ sản khoa cho biết khi phát hiện thai chết lưu phải tìm cách nhanh chóng lấy thai nhi ra ngoài, nếu để lâu sẽ gây nhiễm trùng, nhiễm độc cho sản phụ, dễ dẫn đến tử vong.
Một điều tra viên cho biết: “Trong vụ này đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự, cụ thể là tội thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vô ý giết người. Tùy theo kết quả điều tra mà cơ quan công an sẽ xử lý theo đúng với quy định của pháp luật”.
Sinh mổ, một cô giáo chết bất thường
Ngày 12-9, nhiều người đến viếng đám tang đã hết sức bất bình trước cái chết không bình thường của cô giáo Lê Thanh Thủy (SN 1979, giáo viên Trường Mầm non Tuổi Ngọc, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một - Bình Dương) sau ca sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi bán công Bình Dương.
Theo người nhà cô giáo Thủy, do thiếu nước ối, ngày 2-9, cô buộc phải sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi bán công Bình Dương. Bé trai cân nặng 2,5 kg, sản phụ được hồi sức tại bệnh viện khoảng 5 ngày. Trong thời gian này, sản phụ than là thấy đau trong người nhưng bác sĩ cho rằng do vết mổ chưa lành.
Sau khi xuất viện về nhà, cô Thủy đau dữ dội, buộc phải nhập viện trở lại vào sáng 8-9. Lúc này, Bệnh viện Phụ sản - Nhi bán công Bình Dương mới chụp hình, siêu âm. Thấy cô Thủy nguy kịch, người nhà yêu cầu chuyển gấp lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) nhưng bệnh viện không đồng ý. Chiều 8-9, cô Thủy được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Bình Dương và tử vong vào rạng sáng hôm sau.
Bác sĩ thiếu kinh nghiệm, yếu chuyên môn
Sáng 12-9, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với 3 bị cáo Nguyễn Văn Thìn (SN 1988), Lê Anh Giáp (SN 1987) và Võ Đình Hùng (SN 1990). Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho 3 bị cáo đều đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bệnh viện Quân y C17 trong việc điều trị cho nạn nhân Phạm Phú Chung (SN 1992). Theo đó, ngày 12-8-2011, Chung bị Thìn, Giáp, Hùng đâm và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y C17. Chiều 18-8-2011, Chung được cho xuất viện. Ngay đêm hôm đó, tình hình sức khỏe của Chung diễn biến xấu, gia đình đã đưa anh vào lại Bệnh viện Quân y C17, đến chiều hôm sau thì tử vong. Gia đình Chung đã gửi đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với một số bác sĩ. Ngày 3-8-2012, Cơ quan Điều tra Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kết luận toàn bộ các y, bác sĩ tham gia vào quá trình điều trị cho nạn nhân đều có những sai sót. Tuy nhiên, những thiếu sót đó là biểu hiện thiếu kinh nghiệm, yếu kém về năng lực chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nên không thể cấu thành tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. V.Kiều |
Bình luận (0)