Gần đây, trên một số trang mạng có nhiều thông tin về việc khói nhang rất độc hại, thậm chí có thể gây ung thư khiến dư luận lo lắng. Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, cho biết đến nay, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của khói nhang tới sức khỏe con người nhưng thực tế cho thấy nó có những tác động nhất định.
Coi chừng nhang “có lộc”
“Có nhiều người cho tôi biết họ bị cay mắt, choáng váng, khó thở, nhức đầu khi tiếp xúc với khói nhang. Tuy nhiên, đây chỉ là những biểu hiện nhẹ nhất. Nếu tình trạng này tiếp diễn thường xuyên, khói nhang có thể làm tổn thương niêm mạc mắt, da, hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, gan, thận…” - bác sĩ Đại khẳng định.
Theo bác sĩ Đại, dù trong khói nhang không có nicotin như thuốc lá nhưng lại chứa chất rất độc là carbon dioxide. Khi carbon dioxide kết hợp với hương liệu hóa chất tẩm ướp tạo mùi cho nhang là benzen thì sẽ sản sinh ra một số chất mà về lâu dài có khả năng gây ung thư. Điều này lý giải tại sao khi ra nơi có không khí thoáng đãng, không còn mùi nhang, người ta sẽ không còn các biểu hiện choáng váng, nhức đầu, khó thở...
Trẻ em được khuyến cáo nên tránh tiếp xúc với khói nhang. Ảnh: TẤN THẠNH
Bác sĩ Đại lưu ý hiện nay, trên thị trường rất chuộng loại nhang cuốn vì khi đốt xong, tàn của nó sẽ uốn cong rất đẹp mắt và nhiều người cho rằng như thế mới “có lộc”. Tuy nhiên, theo bác sĩ Đại, để có được tàn nhang uốn cong, nhà sản xuất phải tẩm hóa chất phosphoric acid (H3PO4) để ngâm tăm nhang. Nén nhang cong, đẹp tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian ngâm tẩm.
“Nhang truyền thống ngày xưa không độc hoặc ít độc hơn bây giờ vì người ta sử dụng chủ yếu gỗ trầm, quế... để sản xuất. Thế nhưng, các nguyên liệu này ngày càng khan hiếm và nhiều người vì muốn kiếm lời cao nên đã sử dụng các hóa chất rẻ tiền để tạo hương, khiến cho chất lượng nhang kém đi. Những loại nhang tẩm hóa chất không rõ nguồn gốc có thể gây độc hại cho sức khỏe con người” - bác sĩ Đại nhận định.
Trẻ em nên tránh xa
Thắp nhang ở bàn thờ tổ tiên, chùa chiềng... đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết, thậm chí hằng ngày. Giới chuyên môn lưu ý khi thắp nhang, phải luôn mở cửa thoáng để khói không bị tụ lại một chỗ. Không nên thiết kế nơi đốt nhang gần chỗ có người ngủ, nghỉ. Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên thắp 1-3 cây nhang/ngày.
Theo các bác sĩ Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, trung tâm này đã từng điều trị cho các bệnh nhân có những biểu hiện của hen dị ứng với biểu hiện khó thở, chóng mặt, buồn nôn do tiếp xúc quá lâu với khói nhang. Do vậy, trẻ em và người có bệnh về hô hấp, có cơ địa dị ứng nên tránh tiếp xúc với khói nhang.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết hơn 10 năm trước, ở những nơi Phật giáo phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan..., người ta đã có nghiên cứu về độc tính của khói nhang. Thế nhưng, các nghiên cứu này đều khẳng định khói nhang không độc như những gì mà dư luận lo ngại thời gian qua. Nếu có thì chất độc cũng ít, không đủ gây hại cho những người xung quanh. Chưa kể, các loại nhang truyền thống sử dụng nguyên liệu từ gỗ trầm, quế, hương bài, long não… mà theo đông y, đó là vị thuốc tạo cảm giác thư thái.
Ngày nay, một số cơ sở sản xuất đã cải tiến trong việc thay đổi mùi thơm của nhang giống mùi của nhiều loại nước hoa. TS Côn cho rằng chưa có nghiên cứu nào để có thể biết được những loại hóa chất sử dụng trong nhang hiện nay là gì, khói của nó có gây độc hay không. “Vì thế, tốt nhất là người dân nên tìm mua nhang ở những cơ sở uy tín. Nếu có dấu hiệu ho, sặc, khó thở, cay mắt... vì khói nhang, phải thoát khỏi ngay khu vực đó” - TS Côn khuyến cáo.
Nhang truyền thống an toàn? Bà Trần Hoàng Mỹ, chủ một cơ sở làm nhang truyền thống ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội, cho biết với nhang truyền thống thì nguyên liệu sản xuất làm từ thảo mộc và một số vị thuốc bắc như gỗ tùng, gỗ trầm, hương quế… nên khó thể gây độc. Với kinh nghiệm hàng chục năm sản xuất, kinh doanh nhang truyền thống, bà Mỹ cho biết có thể làm nhang có tàn uốn cong mà không phải ngâm tăm trong hóa chất. “Người sản xuất có thể ngâm tăm trong nước nếu muốn tàn nhang uốn cong. Quá trình ngâm tăm cũng giúp cây nhang đỡ bị mọt” - bà Mỹ nói. |
Bình luận (0)