Làn sóng biểu tình phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã leo thang tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc hôm 15-9.
Tại Bắc Kinh, hàng ngàn người biểu tình đã bao vây Đại sứ quán Nhật Bản và bạo lực đôi lúc đã bùng phát trước khi tình hình được kiểm soát. Theo hãng tin Reuters, đám đông đã ném đá, chai lọ và trứng về phía tòa nhà đồng thời đốt cờ Nhật. Trong khi đó, lực lượng công an trang bị dùi cui và khiên thỉnh thoảng phải dùng vũ lực để ngăn những người biểu tình quá khích tìm cách xông vào khuôn viên Đại sứ quán Nhật Bản.
Tại Thượng Hải, các con đường xung quanh Lãnh sự quán Nhật Bản đã bị phong tỏa trong lúc hàng trăm công an được triển khai để bảo vệ an ninh cho khu vực này trước các cuộc biểu tình. Giới truyền thông Nhật Bản đưa tin các cuộc biểu tình chống Nhật cũng diễn ra ở một số thành phố khác như Tây An, Nam Kinh, Tô Châu, Côn Minh…
Lực lượng công an và người biểu tình đối đầu nhau bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh hôm 15-9. Ảnh: REUTERS
Bạo lực đã bùng phát khi người biểu tình tấn công các nhà hàng và cơ sở kinh doanh của người Nhật. Một người biểu tình tên Uda Chen cho hãng tin Reuters biết chính quyền đang khuyến khích các cuộc biểu tình chống Nhật vì “họ có thể đã ngăn được chúng tôi biểu tình nếu muốn”. Bên cạnh các cuộc biểu tình, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng tải những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản.
Hãng tin Kyodo nhận định đây là làn sóng biểu tình chống Nhật lớn nhất ở Trung Quốc kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1972, gây ra những nỗi lo về sự an toàn của công dân Nhật ở nước này. Đáp lại nỗi lo này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 14-9 khẳng định công dân Nhật Bản tại nước này được bảo vệ theo pháp luật.
Các cuộc biểu tình lớn nói trên diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc phái 6 tàu hải giám đến vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư để khẳng định chủ quyền. Hãng tin AP đưa tin tàu Trung Quốc và Nhật Bản đã trao đổi qua lại những lời cảnh báo khi đối đầu nhau gần quần đảo tranh chấp.
Đến chiều tối 14-9, toàn bộ tàu Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển gần quần đảo này. Chính phủ Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối hành động “xâm phạm lãnh thổ” nước này của những tàu nói trên.
Trong khi đó, 5 ứng viên đang tranh đua cho chiếc ghế chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do đối lập đã kêu gọi Chính phủ Nhật Bản có hành động cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong cuộc tranh cãi. Dù vậy Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cho rằng hai nước không nên để tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ ứng xử một cách phù hợp và bình tĩnh.
Bình luận (0)