Thôn An Hội, xã Bình Tân dù cách trung tâm huyện Tây Sơn - Bình Định chỉ vài cây số nhưng đìu hiu đến lạ thường. Những căn nhà lụp xụp nằm thưa thớt không một bóng người. Lòng vòng trong thôn gần 30 phút, chúng tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Hiền đang đi thăm đồng về, tay chân lấm lem bùn đất. “Nhiều người mắc bệnh nan y đã đi xa để chạy chữa, còn người thân của họ đã ra đồng. Thôn vừa phát hiện có thêm mấy người bị u độc nhưng họ vẫn cố giấu bệnh” - chị Hiền nói.
Ăn mật cóc cầu may
Ông Mạc Thất, 59 tuổi, vừa đi chữa bệnh ở TPHCM về đã vác cuốc ra thăm ruộng, chân đi cà nhắc. “Cả nhà có 3 người đang đi chữa bệnh ở xa, còn tôi cũng mới ở bệnh viện về nhà sáng nay. Dù đau nhưng phải làm vì nếu không thì lấy gì trả nợ, lấy gì ăn?” - ông rầu rĩ.
Ông Thất cho biết ngoài ông bị khối u trên chân mới đi mổ về, vợ ông mắc bệnh nấm đường ruột, nhiều nguy cơ bị ung thư ruột; con dâu và con gái có hạch ở cổ, uống thuốc hoài không khỏi. “Thôn An Hội đã có nhiều người chết vì ung thư nên khi thấy 4 người trong nhà có triệu chứng lạ, chúng tôi lo lắm. Tài sản vất vả dành dụm được bao nhiêu năm nay đã tiêu hết mà chưa chắc người khỏi bệnh” - ông buồn bã.
Sau khi biết mình bị ung thư, nhiều người dân An Hội đã ăn mật cóc cầu may và không ít trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong. Tháng 4-2011, bà Bùi Thị Mai, một người bị ung thư gan, đã mổ lấy mật cóc nuốt, phần thịt thì nướng ăn cùng chồng. Ngay chiều hôm đó, vợ chồng bà ngộ độc phải nhập viện. Sau vài ngày điều trị, người chồng thoát nạn nhưng bà Mai không qua khỏi.
Do nguồn nước?
Ông Dương Thành Công, Trưởng thôn An Hội, cũng bị mất cha do khối u độc trên mặt. “Thôn chỉ có 216 hộ với 870 người nhưng 10 năm qua đã có đến gần 50 người chết vì các bệnh nan y, chủ yếu là ung thư gan và u độc. Người dân An Hội vốn đã nghèo, giờ lại thê thảm hơn vì nhiều gia đình phải chạy vạy tiền để lo chạy chữa bệnh cho người thân” - ông lo lắng.
Những bậc cao niên ở địa phương cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người dân mắc bệnh nan y ở thôn An Hội. Trong chiến tranh, vùng này từng bị địch rải chất độc da cam nên có thể nguồn nước bị nhiễm độc. Ngoài ra, nước sinh hoạt của người dân lấy từ giếng tự đào bị nhiễm phèn nặng.
Ông Hồ Sĩ Lai, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân, cho biết: “Những năm gần đây, thôn An Hội có hàng loạt người đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện bị ung thư. Kiểm tra nước sinh hoạt ở đây, chúng tôi phát hiện nhiễm phèn nên đã đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cung cấp nước sạch cho người dân. Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người mắc bệnh nan y thì chưa cơ quan chức năng nào kiểm tra, xác định” .
Bến Tre: Vẫn chưa xác định nguồn lây nhiễm HIV Trung tâm Phòng chống AIDS Bến Tre cho biết ấp Phú Đăng, xã Phú Ngãi, huyện Mỏ Cày Nam vừa có thêm 2 người bị phát hiện nhiễm HIV. Như vậy, hiện ấp này đã có 17 ca nhiễm HIV, trong đó 14 người được phát hiện do xét nghiệm tình cờ, 2 đã tử vong và 7 người chuyển sang giai đoạn AIDS. Điều đáng nói là đến nay, ngành y tế vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho họ. Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vào đầu tháng 6-2012, ngành y tế phát hiện ở ấp Phú Đăng có 12 người nhiễm HIV, trong đó có cả người bại liệt 65 tuổi. Những người này nghi ngờ rằng mình bị lây HIV do tiêm chích thuốc chung ở một cơ sở y tế. Họ không hề tiêm chích ma túy hay ăn chơi gì, ngoại trừ một phụ nữ có quan hệ tình dục với nhiều người... Dự kiến trong tuần này, Viện Pasteur TPHCM sẽ phối hợp với Trung tâm Phòng chống AIDS Bến Tre tiến hành điều tra xã hội học về hành vi, kiến thức cho người dân từ 15 đến 65 tuổi ở 5 xã Cẩm Sơn, Tân Trung, Hương Mỹ, Thành Thới B và Ngãi Đăng của huyện Mỏ Cày Nam. Đoàn sẽ lấy máu khoảng 160 người/xã để xét nghiệm tầm soát HIV. M.Sơn |
Bình luận (0)