Đầu tư lớn, công phu
Câu chuyện phim diễn ra vào thời điểm năm 1966, khi Đoàn tàu 962 vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam theo đường Hồ Chí Minh trên biển bị địch phát hiện, phong tỏa. Yêu cầu cấp bách của cấp trên phải vận chuyển cho bằng được số vũ khí đưa từ miền Bắc về chiến trường miền Nam, Đội TNXP miền Tây Nam Bộ được thành lập phục vụ cho công tác vận chuyển số vũ khí này. Bộ phim Huyền thoại 1C tái hiện cuộc chiến đấu suốt hơn 2.000 ngày đêm của những chiến sĩ trong Đội TNXP trên tuyến đường khói lửa này.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết mỗi tập phim sẽ phản ánh một sự kiện, hoạt động của đơn vị 1C, từ việc vận chuyển hàng trong đêm bằng xuồng ba lá đến xe thồ trâu, băng rừng vượt sông, bị giặc phát hiện, ly tán, hy sinh… Đó là những cuộc hành trình mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
457 khẩu súng các loại, 1.500 kg thuốc nổ, 300 kg khói màu, hơn 1.000 lít xăng dầu cùng trực thăng, thiết giáp… đã được sử dụng phục vụ cho các đại cảnh, chiến đấu trong phim. Các di tích lịch sử rừng tràm huyện Mộc Hóa (Long An), hang núi Moso (Kiên Giang), đồi Tức Dụp (An Giang), rừng Sác (huyện Cần Giờ - TPHCM)… làm bối cảnh.
Bối cảnh đẹp, những cảnh khói nổ, chiến đấu được đầu tư lớn, công phu và những cuộc hành quân vận chuyển vũ khí của các TNXP cũng đầy gian nan, nguy hiểm. “Nhập cuộc” vào cung đường 1C thể hiện những nhân vật của một thời là những gương mặt diễn viên trẻ: Thiên Bảo, Nhã Uyên, Diệu Thúy, Thanh Nghĩa, Uyển Nhi… Họ cùng với ê kíp làm phim cũng đã dốc toàn lực trên trường quay. Cả đoàn phim suốt một thời gian dài làm việc gian khổ và dấn thân để có được những thước phim đẹp, chuyển tải câu chuyện xúc động, ý nghĩa đến khán giả.
Những tiếc nuối
Đoàn làm phim đã cho ra mắt những thước phim đầu tiên tại buổi họp báo ra mắt phim vào sáng 17-9, tại Đài Truyền hình TPHCM. “Tôi luôn tin rằng khi xem toàn bộ 22 tập phim, khán giả sẽ thấy đó chính là cuộc hành trình của các chiến sĩ anh dũng ngày nào” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân kỳ vọng.
Chưa nói trước được điều gì khi phim vẫn chưa chính thức lên sóng song những hình ảnh đầu tiên trong phim được giới thiệu vẫn để lại sự tiếc nuối khi những gì thể hiện trên màn ảnh chưa thật sự thuyết phục. Bối cảnh quá tươi sáng, tròn trịa cũng như phần lồng tiếng quá đẹp, chỉn chu khiến người xem cảm giác có điều gì đó không thật. Giá trị của một bộ phim chưa hẳn từ những đại cảnh hoành tráng mà chính là nhờ vào sự tinh tế, sâu lắng được chắt lọc thể hiện trong từng phân cảnh.
Bày tỏ những khó khăn, vất vả với các cảnh quay trên phim Huyền thoại 1C, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng nói rằng có những đại cảnh chưa thật hoàn hảo nhưng không thể làm lại vì quá tốn kém. Phía nhà sản xuất cho biết thêm do không tìm lại được những ngọn đồi trọc, những cánh rừng hoang từ các trận không kích của quân đội Mỹ vào thời đó, đoàn phim chỉ còn biết dựa trên những bối cảnh “tròn trịa” hiện có để tái tạo chuyện phim. Đạo diễn phải nương theo ý tưởng: “Tạo sự đối lập, lấy bối cảnh thanh bình tươi sáng của đất nước tương phản với những đau thương mất mát của chiến tranh”. Thế nhưng, chính điều đó vô tình khiến phim như mất đi “màu thời gian” và không gian cần thiết, những cuộc chiến đấu, hành quân cũng có vẻ mang tính kịch.
Phim được đầu tư lớn nhưng có lẽ khó thành công trọn vẹn - nhận xét này có thể khiến không ít người ngậm ngùi nhưng vẫn cần phải nhìn thẳng vào thực tế không chỉ với Huyền thoại 1C mà còn với hàng loạt phim đề tài chiến tranh cách mạng khác đã làm gần đây. Bộ phim đầu tư lớn có nhiều đại cảnh hoành tráng như Đường Hồ Chí Minh trên biển lại thiếu những khoảnh khắc, dấu ấn lắng đọng. Đến cả bộ phim Đừng đốt!... từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước nhưng các cảnh tái hiện chiến tranh lại kém…
Trong bộ phim Huyền thoại 1C, mất mát hy sinh có thừa nhưng tình huống được xử lý vẫn chưa đủ sức lay động. Nhiều bộ phim khác cũng vậy, thiếu những khoảnh khắc lắng đọng hoặc có nhưng thể hiện chưa tới; một số tình tiết chưa tạo được sự liên kết, lý giải thấu đáo, quyết liệt hơn để khán giả có thể hòa mình trọn vẹn vào không gian phim mà không phải giữa chừng lại đặt câu hỏi “tại sao” hay phải nói “giá như…”
Đầu tư lớn chưa chắc phim hay
Đạo diễn Lê Cung Bắc nói làm phim lịch sử nói chung, chiến tranh cách mạng nói riêng cần phải có thời gian để chuẩn bị mọi thứ từ kịch bản, bối cảnh, phục trang, diễn viên… thật đầy đủ, hoàn thiện thì mới dám “đưa quân” ra phim trường.
Tại sao vẫn không thể có được một bộ phim lịch sử thật sự chinh phục người xem là câu hỏi gây chạnh lòng những người làm nghề nhưng không dễ dàng tìm được câu trả lời. Trước đây, yếu tố thời gian, kinh phí eo hẹp luôn được nhiều nhà làm phim viện dẫn để đổ lỗi cho chất lượng phim không hay. Nhưng thực tế, kinh phí đầu tư cũng lớn và thời gian không bị bó hẹp, thúc ép thì phim cũng đâu đã thực sự hay. |
Bình luận (0)