Giới truyền thông Trung Quốc đã dịu bớt giọng điệu chống Nhật do lo ngại bạo lực trong các vụ biểu tình sẽ leo thang đến mức không thể kiểm soát được.
Người biểu tình bị chỉ trích
Báo mạng của tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh vào cuối tuần rồi cho rằng việc phá hủy xe hơi Nhật Bản ở khắp Trung Quốc là hành động vi phạm pháp luật. Tờ báo viết: “Cần vạch ra ranh giới ở đây - không nên để việc biểu lộ lòng yêu nước gây tổn hại đến trật tự công cộng”. Một bài bình luận của Tân Hoa Xã hôm 16-9 kêu gọi người dân cần thể hiện lòng yêu nước một cách “khôn ngoan”.
Cổng tin tức NetEase cũng cảnh báo rằng “lòng yêu nước” đang bị lợi dụng để che đậy những hành vi phạm tội khi các cửa hàng tại một số thành phố bị cướp bóc hoặc đốt phá. Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng những hành động không lý trí đã làm ô danh hệ thống pháp lý nói riêng và xã hội Trung Quốc nói chung. Bài viết cảnh báo rằng những hành động này có thể dẫn đến sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Người Trung Quốc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh hôm 18-9 . Ảnh: REUTERS
Dù vậy, báo South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 17-9 dẫn lời giáo sư Triều Giang, thuộc Khoa Báo chí tại Đại học Nghiên cứu ngoại giao Bắc Kinh, cho rằng một số báo đài Trung Quốc đã thể hiện thói đạo đức giả khi kêu gọi sự bình tĩnh vì chính họ phần nào phải chịu trách nhiệm vì đã kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Ông đặc biệt chỉ trích báo lá cải Thời báo Hoàn cầu, trực thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, đã thông đồng với một số tướng quân đội vô trách nhiệm trong việc “thao túng lòng yêu nước” để kiếm tiền và phục vụ cho những lợi ích của riêng mình.
Bắc Kinh khó xử
Cũng theo báo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc đang rơi vào tình huống nhạy cảm trong việc đối phó với các cuộc biểu tình chống Nhật.
Một mặt, nhà chức trách muốn người dân biểu lộ sự phẫn nộ đối với động thái quốc hữu hóa phần lớn quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Mặt khác, Bắc Kinh lo ngại rằng nếu để biểu tình kéo dài, người dân có thể chuyển sự bất bình của mình sang những vấn đề trong nước như sự bất công và vấn nạn tham nhũng.
Ngay cả Tokyo cũng lo ngại trước khả năng Bắc Kinh kiểm soát được tình hình nếu tình trạng bạo lực trong các vụ biểu tình chống Trung Quốc tiếp tục leo thang. Một quan chức Nhật cho báo The Asahi Shimbun biết: “Nếu các cuộc biểu tình lan rộng hơn, không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra vì lực lượng an ninh không đủ để đương đầu với vấn đề này”.
Cũng theo tờ báo này, một cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở thành phố Thâm Quyến đã trở thành mục tiêu của người biểu tình khi họ tìm cách xông vào nơi này, buộc lực lượng công an phải ra tay can thiệp.
Xuống đường chống Nhật tại 100 thành phố ở Trung Quốc
Các cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra tại ít nhất 100 thành phố ở Trung Quốc hôm 18-9 nhân dịp 81 năm sự kiện Nhật Bản chiếm đóng miền Đông Bắc Trung Quốc.
Theo hãng tin Kyodo, hàng ngàn người tập trung trước Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh và Lãnh sự quán Nhật ở Thượng Hải trong sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh. Đám đông đã hô to các khẩu hiệu chống Nhật và kêu gọi tẩy chay hàng hóa nước này. Một số người còn hô hào sẽ không bao giờ quên sự kiện nói trên.
Theo đài CNN (Mỹ), đã có thêm nhiều nhà máy và cửa hàng Nhật Bản ở Trung Quốc đóng cửa trong ngày 18-9 do lo ngại trở thành mục tiêu tấn công của người biểu tình. Cùng ngày, 11 tàu công vụ Trung Quốc, cả hải giám và ngư chính, đã đi vào vùng biển quanh quẩn đảo Senkaku/Điếu Ngư. |
Bình luận (0)