Từ đây, các liên doanh sản xuất, lắp ráp ô tô ra đời và được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) chọn làm trụ cột trong quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Sai lầm ngay từ đầu của Bộ Công Thương là yêu cầu các liên doanh ô tô tăng dần tỉ lệ nội địa hóa với mức cụ thể, kèm theo đó là cam kết thực hiện. Cách làm này trái với đặc thù của sản xuất ô tô là mạng lưới toàn cầu, đồng thời sai quy luật kinh tế bởi giai đoạn ấy, lượng ô tô tiêu thụ ở thị trường nội địa chỉ vài ngàn chiếc mỗi năm.
Rốt cuộc, hầu hết các liên doanh không thực hiện cam kết nội địa hóa và phía Việt Nam hầu như cũng buông, không xử lý được.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như cây non trước bão!
Một sai lầm nữa đó là để bảo hộ các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam, chúng ta đã đánh thuế rất cao (thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc, khiến giá bán ô tô trong nước bị đẩy lên chót vót. Chịu thiệt hại trước tiên là người tiêu dùng, thị trường cũng bị lũng đoạn bởi những cơn sốt giá giả tạo liên tục được giới kinh doanh tạo ra. Thực tế phũ phàng thế nào thì ai cũng thấy: Giá ô tô tại Việt Nam không hề giảm mà luôn ở mức cao nhất thế giới, để các liên doanh ô tô tha hồ hốt bạc!
Từ thực tế đó, các cơ quan hoạch định chính sách về ô tô trong nước lại điều chỉnh chính sách bằng công cụ thuế. Các sắc thuế và thuế suất về ô tô trong hơn 5 năm qua thay đổi xoành xoạch, thể hiện sự lúng túng của các cơ quan quản lý. Sự thiếu ổn định này khiến các nhà đầu tư không hài lòng. Sách Trắng do Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam phát hành năm 2011 cũng đã cảnh báo thực trạng này.
Kết cục là nhiều doanh nghiệp ô tô dần dần rút lui khỏi kế hoạch ban đầu. Thay vì đầu tư sản xuất, họ chuyển sang nhập xe nguyên chiếc về Việt Nam bán. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vốn như cây non trước gió, giờ uống thêm chén đắng này ắt chẳng bao lâu nữa sẽ gục.
Thực tế của các quốc gia thịnh vượng cho thấy nước nào có chính sách ổn định, nước đó càng phát triển nhanh và bền vững. Nhật Bản và Hàn Quốc là những điển hình và chúng ta đã thấy nền kinh tế, trong đó có công nghiệp ô tô, của họ phát triển nhanh, mạnh như thế nào.
Việt Nam muốn vươn lên nữa thì trước hết chính sách đầu tư và thương mại phải nhất quán và ổn định. Đó là điều kiện tiên quyết và chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô chính là bài học không thể bỏ sót trong quá trình học hỏi và hội nhập quốc tế.
Bình luận (0)