Hiến kế chiêu “độc”
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 19-9 nhận định rằng động thái quốc hữu hóa phần lớn quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của Nhật Bản chắc chắn sẽ ảnh hưởng và gây hại đến sự phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại song phương. Quan chức này tuyên bố: “Đây không phải là điều chúng tôi muốn thấy và Nhật Bản phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì để nó xảy ra”.
Ảnh: THE ASAHI SHIMBUN
Trước đó, một cố vấn cấp cao của Chính phủ Trung Quốc đã hô hào tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế để đáp trả “những hành động khiêu khích” của Nhật Bản.
Trong khi đó, tờ Hong Kong Economic Journal cũng đưa tin Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung đất hiếm xuất sang thị trường Nhật Bản. Đây chính là “chiêu” mà Trung Quốc từng sử dụng trong cuộc tranh cãi liên quan đến Điếu Ngư/Senkaku vào năm 2010. Những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản cũng được đưa ra trong các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc.
Ai thiệt hơn ai?
Khi đưa ra lời kêu gọi trừng phạt kinh tế Nhật Bản, ông Kim tự tin tuyên bố: “Rõ ràng là Trung Quốc có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản mà không tự gây thiệt hại quá nhiều cho mình”.
Tuy nhiên, theo báo The Wall Street Journal (Mỹ), không dễ xác định được nước nào sẽ bị tác động nhiều hơn nếu chiến tranh kinh tế Trung – Nhật nổ ra. Có một điều chắc chắn là cả 2 nền kinh tế sẽ bị tổn thất và tác động của cuộc chiến không chỉ gói gọn trong phạm vi 2 nước.
Lời đe dọa trả đũa kinh tế của Trung Quốc, cộng với tác động của các cuộc biểu tình mới đây có thể khiến các công ty Nhật giảm bớt sự hiện diện tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
14 tàu công vụ Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku
Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản hôm 19-9 cho biết họ phát hiện 14 tàu công vụ Trung Quốc trong vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Dù vậy, theo đài NHK, họ vẫn chưa nhìn thấy đội tàu cá Trung Quốc ở vùng biển này. Trong khi đó, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin hiện có khoảng 100 tàu cá nước này đang đánh bắt xung quanh quần đảo tranh chấp dưới sự hộ tống của 12 tàu công vụ. Cùng ngày, quy mô các cuộc biểu tình chống Nhật giảm bớt sau khi nhà chức trách Trung Quốc có những động thái nhằm hạ nhiệt tình hình. Tại Bắc Kinh, các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật đã bị cấm. Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhận định rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ phải hối tiếc vì bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình chống Nhật diễn ra. |
Bình luận (0)