Phát hiện nhiều, xử lý ít
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho hay qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 425 tập thể, 697 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 27 vụ, 35 người. Tuy nhiên, trong số sai phạm phát hiện được, chỉ có 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỉ đồng… Ngoài ra, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm của Bộ Công an đã thụ lý 551 vụ án, 1.277 bị can phạm tội về tham nhũng (trong đó khởi tố 222 vụ, 469 bị can…).
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện cho rằng công tác thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm, thất thoát về tiền, tài sản lớn nhưng hầu hết là kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính. Số vụ tham nhũng chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự rất ít. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo. Có nơi, việc áp dụng điều 47 của Bộ Luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%.
Đặc biệt, theo Ủy ban Tư pháp, báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá tình hình phát hiện và xử lý tham nhũng trong các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, các cơ quan có thẩm quyền trong phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Tán đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa nói: “Tham nhũng tồn tại từ nhiều năm qua, số vụ phát hiện nhiều nhưng xử lý ít, phần lớn cho hưởng án treo… là rất nghiêm trọng, thách thức”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng đối với con số 551 vụ án tham nhũng được phát hiện là ngay trong năm 2012 hay diễn ra từ những năm trước đó cần phải làm rõ xem có “sót lọt” từ năm này sang năm khác hay không và trách nhiệm do ai? “Rõ ràng, việc đấu tranh với tham nhũng vẫn còn cản trở gì đó từ cán bộ phòng chống tham nhũng, thể chế… Không thể để có vụ án tới 6 năm rồi mà chưa biết khởi tố được hay không” - ông Phước lo ngại.
Không dễ chứng minh
Cũng theo Thanh tra Chính phủ, trong năm 2012, toàn ngành đã triển khai 6.065 cuộc thanh tra hành chính và kiểm tra chuyên ngành tại 333.032 tổ chức, cá nhân; phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 6.482 tỉ đồng, 1.291 ha đất (đã thu hồi được 141 tỉ đồng).
Ngạc nhiên về con số thu hồi, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng hỏi: “Con số này có nhầm lẫn gì không?”. Cùng thắc mắc này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu bày tỏ: “Thất thoát lớn như vậy có nên đưa sang lĩnh vực sai phạm kinh tế thay vì đưa vào vấn đề tham nhũng? Mấy ngàn tỉ đồng mà không thu hồi cũng không chứng minh được do cán bộ vụ lợi, liệu có ổn?”.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn dẫn việc báo cáo của Chính phủ nói cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vụ, kiến nghị thu hồi nhiều tiền, nhiều diện tích đất đai nhưng không nói rõ có tham nhũng hay không là điều rất khó giải thích với dân. “Nguyên tổng giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình bị tòa kết án tù tới 20 năm nhưng kết luận cũng không có tham nhũng. Trong khi đó, báo cáo lại nói một bộ phận không nhỏ nhân dân tiếp tay cho tham nhũng từ phí “bôi trơn” để đánh đồng với tham nhũng là việc không nên và sẽ làm dân buồn” - ông Sơn góp ý.
Trước băn khoăn này, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận: “Thất thoát đúng là trên 6.400 tỉ đồng nhưng mới thu hồi 141 tỉ đồng vì thực tế, những vụ như Vinalines, tổng số sai phạm gần 500 tỉ đồng hay các khoản đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, chứng khoán thua lỗ xem như mất luôn, rất khó lấy lại”. Ông Lượng cho hay việc chứng minh có yếu tố vụ lợi là rất khó khăn, đặc biệt là trường hợp mua tài sản, thiết bị cũ từ nước ngoài.
Đầu tư công dễ thất thoát, lãng phí
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về báo cáo của Chính phủ đối với kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công là do buông lỏng quản lý. Hệ quả dẫn đến tình trạng dự án treo hoặc giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng để hoang hóa, gây lãng phí lớn. Ngoài ra, tình trạng không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính vẫn xảy ra nhiều, gây thất thoát, lãng phí lớn. Các cơ quan thanh tra Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước trên 3.529 tỉ đồng và kiến nghị xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân vi phạm. Ủy ban Thường vụ QH cũng họp xem xét Tờ trình của Văn phòng QH về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của QH khóa XIII. Theo dự kiến, chương trình kỳ họp thứ 4 sẽ làm việc trong 1 tháng, từ ngày 22-10 đến 23-11. |
Tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng tăng cao
Theo Ủy ban Tư pháp, trong năm 2012, tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền khi thi hành công vụ tăng cao. Nổi bật là vụ tham ô tài sản tại công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines làm thiệt hại hàng trăm tỉ đồng; vụ tham nhũng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Ngân hàng Công Thương Chi nhánh Nhà Bè -TPHCM làm thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ 3 lãnh đạo chi nhánh Hồng Hà của Ngân hàng NN-PTNT lạm quyền trong thi hành công vụ gây thiệt hại 487 tỉ đồng… |
Bình luận (0)