Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ 4 thành viên HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu (ACB) và NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ nhiệm (Báo Người Lao Động ngày 20-9 đã thông tin) có liên quan đến nguồn tiền 718 tỉ đồng mà ACB gửi vào NH Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Làm trái quy định?
Thông tin từ ACB cho biết năm 2010, do đã huy động vốn với giá cao nhưng không cho vay được nên ACB muốn gửi tiền sang NH khác để sinh lời. Mặt khác, HĐQT ACB nhận thấy việc gửi tiền vào NH bạn là phù hợp với điều lệ hoạt động nên các ông Trần Xuân Giá, nguyên chủ tịch HĐQT; ông Lê Vũ Kỳ, nguyên phó chủ tịch HĐQT; ông Trịnh Kim Quang, nguyên phó chủ tịch HĐQT và ông Phạm Trung Cang (thời điểm này ông Cang đang giữ chức phó chủ tịch HĐQT ACB) cùng phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB (đã bị Bộ Công an bắt tạm giam), ủy thác cho 19 nhân viên thực hiện việc nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào VietinBank.
Riêng việc từ nhiệm chức vụ phó chủ tịch HĐQT Eximbank của ông Phạm Trung Cang, theo ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank, có thể ông Cang từ nhiệm vì liên quan đến việc ACB gửi tiền vào VietinBank. Còn lãnh đạo của ACB thì cho rằng việc HĐQT ACB chấp thuận cho tổng giám đốc ủy thác nhân viên gửi tiền vào NH khác là đúng luật nhưng có thể các cơ quan chức năng cho rằng việc này là trái quy định nên 3 thành viên HĐQT ACB đã phải từ nhiệm.
Theo một cố vấn của một NH tại TPHCM, điều lệ hoạt động của các NH thường có điều khoản quy định HĐQT quyết định các chính sách, chiến lược phát triển. Để quyết định một vụ đầu tư, HĐQT sẽ ký văn bản chỉ đạo tổng giám đốc thực hiện sao cho phù hợp với pháp luật và điều lệ hoạt động. Vì thế, ACB gửi tiền vào NH khác có thể xem là chủ trương của HĐQT.
Hệ quả của cạnh tranh thiếu lành mạnh
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Mộng Hùng, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB, cho biết: Số tiền ACB gửi vào VietinBank đã quá hạn. ACB đã tổ chức thực hiện việc khởi kiện yêu cầu VietinBank hoàn trả tiền. “Giả sử ngay cả khi VietinBank không hoàn trả, ACB hoàn toàn có thể trích lập dự phòng rủi ro từ nguồn lợi nhuận đã có 8 tháng đầu năm là 2.300 tỉ đồng. Sự cố này không ảnh hưởng đến cổ đông cũng như người gửi tiền” - ông Hùng nói.
Trong khi đó, nhiều nguồn tin cho rằng số tiền mà ACB gửi vào VietinBank thông qua các nhân viên của mình có thể liên quan đến vụ bà Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên thành viên HĐQT Công ty CP Chứng khoán Phương Đông) đã bị Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam từ tháng 10-2011 và đang tiếp tục điều tra. Do đó, nhiều khả năng VietinBank phải chờ cơ quan chức năng kết luận số tiền đó có đúng là của ACB hay không, khi đó VietinBank mới tiến hành hoàn trả.
Lãnh đạo của một NH có hội sở tại Hà Nội cho rằng NH gửi tiền vào NH bạn, rồi dẫn đến những sự việc như trên là hệ quả của sự cạnh tranh huy động vốn thiếu lành mạnh giữa các NH diễn ra từ năm 2008 đến nay. Nhiều NH huy động vốn từ dân cư, tổ chức với lãi suất quá cao nhưng không cho vay được. Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên NH lại quá thấp buộc các NH đã huy động vốn giá cao phải tìm cách gửi tiền vào NH khác thông qua các cá nhân, công ty con để có được lãi suất cao nhằm hạn chế thua lỗ trong hoạt động tín dụng.
Từ 1-9, gửi tiền vào ngân hàng bạn là phạm luật Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước - Chi nhánh TPHCM, ngày 16-8, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 21/2012/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9, quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn các giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài. Trong thông tư này có quy định các NH không được gửi tiền ở NH khác. Theo ông Minh, nếu NH gửi tiền vào NH bạn trước ngày 1-9 nhưng đến nay vẫn chưa hết kỳ hạn gửi vẫn được xem là hợp lệ. Khi đã hết kỳ hạn gửi ở NH bạn nhưng NH gửi tiền không rút tiền về, NH Nhà nước sẽ cảnh báo và tiến hành xử phạt. Còn trường hợp NH tiếp tục gửi tiền vào NH bạn từ ngày 1-9 là trái với quy định. |
Ông Cang từ nhiệm chủ tịch HĐQT Tân Đại Hưng Ngày 20-9, Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng (đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú - TPHCM) đã công bố thông tin bất thường lên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về nghị quyết HĐQT với nội dung chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng, vì lý do cá nhân. Trước khi ra quyết định, HĐQT của công ty này đã họp bất thường vào lúc 15 giờ ngày 19-9 (trùng với ngày ông Cang nộp đơn xin từ nhiệm chức phó chủ tịch HĐQT tại Eximbank). Theo đó, HĐQT chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Cang, người đại diện pháp luật và là người công bố thông tin của Tân Đại Hưng. Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hùng, người đang giữ chức phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty, giữ chức chủ tịch HĐQT thay ông Cang. Còn bà Tôn Thị Hồng Minh, thành viên HĐQT, sẽ giữ chức phó chủ tịch HĐQT. Nghị quyết cũng nêu rõ ông Hùng sẽ không chịu trách nhiệm về các chủ trương và quá trình hoạt động của HĐQT từ ngày 19-9 trở về trước.
S.Nhung |
Bình luận (0)