Suốt 2 tuần qua, cả ngày lẫn đêm, hàng chục cán bộ và chiến sĩ công an, biên phòng tỉnh Quảng Ngãi phải túc trực bảo vệ nghiêm ngặt vùng biển làng chài Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) - nơi có con tàu đắm chứa cổ vật. Bất chấp mạng lưới bảo vệ dày đặc từ trên bờ đến ngoài biển, lợi dụng đêm khuya đến rạng sáng hoặc chờ biển động, sóng to gió lớn là hàng trăm ngư dân đổ xô trục vớt cổ vật.
Trắng đêm tuần tra, truy bắt
Để tránh bị phát hiện, các ngư dân đã trang bị dây hơi, bình lặn, ống thổi cát đưa tàu đến neo đậu sát vùng cấm, sau đó ngậm dây hơi lặn hàng trăm mét lần mò đến vị trí con tàu chìm để lấy cổ vật.
Trung tá Huỳnh Công Minh, Hải đội trưởng Hải đội 2 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, nói: “Nhiều đêm qua, cán bộ chiến sĩ phờ phạc vì phải thay phiên nhau thức trắng đêm tuần tra, truy bắt. Có nhiều chủ phương tiện tàu cá, ghe thúng đã bị tạm giữ, phạt tiền nhưng tình trạng ngư dân đi trục vớt cổ vật vẫn không giảm”.
Trung tá Minh lo ngại những ngày biển động, gió to sóng lớn thì ca nô của biên phòng, công an tuần tra dễ bị chìm. Hai tàu công suất lớn của hải đội không vào được gần bờ - nơi vị trí tàu đắm chứa cổ vật - vì dễ mắc cạn.
Ông Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu, nói mùa mưa bão đã về, biển động liên tục, nếu tỉnh không sớm khai quật con tàu đắm thì ít ngày tới biển động mạnh, lực lượng bảo vệ phải rút vào bờ thì ngư dân sẽ đổ xô ra biển tranh giành cổ vật, dễ gây án mạng.
Hiện tại có 17 tổ chức, cá nhân đã đăng ký đấu thầu khai quật cổ vật trong con tàu cổ chìm nhưng đến chiều 20-9, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vẫn chưa tiết lộ tổ chức, cá nhân nào trúng thầu. Hiện sở này cũng đang phối hợp với các chuyên gia khảo cổ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng phương án khảo sát, khai quật để sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt đồng thời tiến hành khảo sát trong vòng 7 ngày thì mới tổ chức khai quật.
Trong khi ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi còn loay hoay chọn thầu, hoàn tất thủ tục để khảo sát thì “kho cổ vật” tiếp tục thất thoát vì bị ngư dân ồ ạt trục vớt trái phép. Một ngư dân cho biết do dùng móc sắt, xà beng và tranh giành nhau dưới biển nên số cổ vật khi vớt và đưa được lên bờ thì bị vỡ nát nhiều lắm. Lấy được 10 cái đĩa, tô thì chỉ có 2 hoặc 3 cái là lành lặn.
5 người bị thương
Dọc theo bãi biển thôn Châu Thuận Biển, những mảnh gốm sứ cổ vật vỡ bị sóng đánh dạt vào nằm la liệt. Giới buôn bán cổ vật cũng lượn lờ suốt ngày đêm và mua cả những cổ vật còn nguyên vẹn lẫn những mảnh vỡ với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/kg, tùy kích cỡ và hoa văn. Ông Võ Tấn Miên, Trưởng thôn Châu Thuận Biển, bày tỏ tiếc nuối: “Người này lặn được, người kia không được nên xảy ra xô xát, tranh giành khiến cổ vật vỡ vụn. Ít nhất có 5 ngư dân trong thôn bị thương vì tranh giành những thứ này rồi”.
Thôn Châu Thuận Biển có khoảng 300 hộ dân với hơn 700 lao động hành nghề lặn tất cả họ đều tường tận mọi ngóc ngách ở vùng biển này. Do vị trí tàu đắm quá gần bờ nên nhiều ngư dân khẳng định họ có thể ngậm dây hơi lặn cả ngày cũng không có vấn đề gì. Nếu cơ quan chức năng lơi lỏng thì chỉ cần khoảng 3 ngày là họ có thể trục vớt hết cổ vật ở con tàu đắm.
Anh Dũng, người đầu tiên phát hiện con tàu đắm này, cho biết sau thời gian dài dò tìm, cách đây 2 tuần, anh cùng với 5 ngư dân phát hiện vị trí con tàu đắm và đã lấy được vài chục cổ vật. Trong đó có hơn 10 cái đĩa, tô men ngọc quý, bán cho giới buôn cổ vật từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/cái. Giá trị nhất là đĩa men ngọc có đường kính từ 30 - 45 cm in nổi hoa lá, cá… ở giữa lòng.
Lời đồn anh Dũng trúng tiền tỉ từ cổ vật đã làm cả thôn“phát sốt”. Nhiều ngư dân đã tạm nghỉ đi khơi, đầu tư mua dây hơi lặn, ống hút cát, máy bơm tìm cách đi trục vớt cổ vật. Có không ít người mới đưa tàu mon men đến vùng cấm chưa kịp lặn đã bị cơ quan chức năng phát hiện, phải vứt bỏ trang thiết bị bỏ chạy. “Cổ vật đâu không thấy, nhiều người mất hàng triệu đồng tiền đầu tư thiết bị và tiền nộp phạt từ 2- 3 triệu đồng”- một ngư dân cho hay.
Thắt chặt bảo vệ cổ vật Trước diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục công tác bảo vệ. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch được giao tham mưu thành lập ban chỉ đạo, ban khai quật, xây dựng phương án khảo sát, khai quật và lập các hồ sơ, thủ tục cần thiết; triển khai khảo sát, thăm dò, khai quật, trục vớt theo tình trạng khẩn cấp, bảo đảm đúng quy định; Các lực lượng công an, bộ đội phối hợp với huyện Bình Sơn tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân không khai thác, trục vớt trái phép; đưa tàu thuyền ra khỏi vị trí tàu cổ chìm, triển khai giữ trật tự, bảo vệ cổ vật, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác và buôn bán cổ vật trái phép. |
Bình luận (0)