Phân theo độ lún, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh được chia thành 3 đoạn: đoạn 1 từ ngã ba Tôn Đức Thắng - giao với cầu Văn Thánh 2, đoạn 2 từ điểm giao với cầu Thủ Thiêm đến đường dẫn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn 3 là tại vị trí nút giao thông đầu cầu Sài Gòn.
Có thể lún đến 2,16 m
Theo đó, từ nay đến năm 2015, đoạn 1 sẽ lún từ 0,27 - 1,1 m; đoạn 2 lún 1,43 m; đoạn 3 lún từ 0,99 - 1,2 m. Đến năm 2025, khu vực bị lún nặng nhất lên đến 2,16 m. Còn hiện nay, đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bị lún từ 0 - 20 cm, đoạn từ Nguyễn Bỉnh Khiêm đến cầu Thị Nghè 2 bị lún từ 15 - 40 cm, đoạn từ cầu Thị Nghè 2 đến cầu Văn Thánh 2 bị lún từ 15 - 80 cm, đoạn từ cầu Thủ Thiêm đến cổng Tân Cảng Sài Gòn bị lún từ 60 - 130 cm, đoạn từ đầu cổng Tân Cảng Sài Gòn đến cửa xả chân cầu Sài Gòn lún 55 - 68 cm, đoạn từ đầu cầu Sài Gòn - Điện Biên Phủ đến cửa xả chân cầu Sài Gòn lún 52 - 77 cm.
Ngoài nền đường bị lún, hệ thống thoát nước trên tuyến cũng bị lún theo. Nhiều đoạn cống bị hở mối nối, đất cát chui vào cống làm thu hẹp lòng cống nên mỗi khi mưa lớn, triều cường, nước không thoát kịp gây ngập nặng ở một số đoạn.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều chỗ võng xuống rất nhiều so với nền đất chung quanh. Ảnh: TẤN THẠNH
Trong báo cáo phản biện dự án sửa chữa khắc phục các hư hỏng tại công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh của Hội Cầu đường cảng TPHCM nêu rõ: Nền đất phía dưới đường Nguyễn Hữu Cảnh chưa ổn định và sẽ tiếp tục lún theo thời gian do tải trọng của kết cấu nền, mặt đường và lưu lượng xe tải trọng lớn lưu thông.
Những cao ốc mọc lên dọc theo tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng gây lún cục bộ nền đường vì để xây dựng những công trình này, nhà thầu phải đào móng sâu và bơm hút nước hố móng. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm quá nhiều cũng góp phần gia tăng tốc độ biến dạng của bề mặt địa hình. Trong quá trình khai thác, việc thực hiện duy tu bù lún cũng làm cho tải trọng bản thân tuyến đường ngày càng tăng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nền đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún nhiều hơn so với nền đất hai bên tuyến.
Phải nhanh chóng sửa chữa
Đường Nguyễn Hữu Cảnh là trục đường huyết mạch giải quyết giao thông cho cửa ngõ Đông Bắc TPHCM, cũng là trục đường vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng biển nằm trong nội đô TP, đồng thời kết nối đại lộ Đông Tây (nay là đường Mai Chí Thọ) với đường Điện Biên Phủ - Quốc lộ 13. Lưu lượng xe hiện tại khoảng 60.000 xe/ngày đêm và sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.
Tình trạng đường lún và ngập như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến an toàn giao thông, kinh tế, xã hội và môi trường khu vực. Tình trạng ngập nước kéo dài trên tuyến đường sẽ làm mặt đường và hệ thống cống thoát nước hiện hữu nhanh xuống cấp dẫn đến chi phí duy tu bảo dưỡng lớn, chưa kể chi phí đầu tư cho dự án ngày càng tăng. Vì vậy, việc nhanh chóng sửa chữa tuyến đường này là điều cần thiết và cấp bách.
Chuyên gia cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM, cho biết căn cứ vào tình hình ngân sách của TP hiện nay và những phân tích, so sánh giữa các phương án, UBND TPHCM đã đồng ý về nguyên tắc cho đầu tư sửa chữa nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh theo phương án phân vùng, tức chỉ ưu tiên sửa chữa những đoạn lún nặng nhất.
Theo đó, đoạn từ ranh cầu Thủ Thiêm đến đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được làm lại toàn bộ nền đường. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng số 1 TNHH MTV sẽ sử dụng phương pháp trụ đất gia cố cọc xi măng để xử lý nền đường. Đoạn 1 và đoạn 3 sẽ được bù lún bằng cách thảm lại bê tông nhựa mặt đường cho đúng với cao độ thiết kế. Theo phân tích của Hội Cầu đường cảng TPHCM, việc xử lý lún theo phương án này tương đối bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GTVT, thời gian bù lún từ 4-9 năm/lần. Độ lún còn lại tại tim đường sau khi gia cố từ 1,03 - 1,38 m.
Bên cạnh đó, một hệ thống thoát nước mới cũng sẽ được đầu tư bổ sung song song với hệ thống thoát nước cũ để tăng khả năng thoát nước khi trời mưa lớn. Tổng vốn của phương án này khoảng 392 tỉ đồng (giá từ cuối năm 2011). Tiến độ thi công kéo dài khoảng 1 năm rưỡi.
Chưa đòi được 141 tỉ đồng cho ngân sách
Dự án đường Lê Thánh Tôn nối dài (nay là đường Nguyễn Hữu Cảnh) được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Tuyến đường do Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu TNXP (thuộc Lực lượng TNXP) làm chủ đầu tư.
Sau khi đưa vào sử dụng, tuyến đường bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2. Để bảo đảm an toàn giao thông, tháng 10-2007, Tổng Công ty Xây dựng số 1 TNHH MTV được giao sửa chữa cây cầu này với kinh phí 141 tỉ đồng tạm ứng từ ngân sách TP.
Số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho TP sau khi các đơn vị sai phạm nộp phạt theo kết luận của Thanh tra TP về dự án này. Tuy nhiên, đến nay, phần kinh phí này vẫn chưa được trả về cho TP. |
Bình luận (0)