Sáng 25-9, tranh thủ nắng lên, bà Huỳnh T.Ơ (còn gọi là bà Bốn, ngụ phường 6, TP Tuy Hòa - Phú Yên) mang mớ vi và da cá thối ra đổ dưới nền đất bến cảng để phơi. “Thúi quá bà ơi!”- hai người đi câu cá lỡ miệng liền bị bà Bốn chửi như tát nước.
Mực, cá phơi như… rác
Vừa đến bến cảng, chúng tôi đã nghe mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ mớ cá bà Bốn đang phơi. Không chỉ hôi thối, nhìn mẻ cá trong quá trình phân hủy, nhiều con dòi bò tràn ra nền đất, ruồi nhặng kéo cả đàn đến bám, chúng tôi không khỏi rùng mình.
Không chỉ tại bến cá, dọc các con đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Độc Lập (TP Tuy Hòa), những ngày nắng lên, người dân cũng đổ mực, cá khô phơi tràn trên mặt đường. Những điểm phơi cá, mực khô trên đường Độc Lập còn nằm cạnh một bãi rác lớn. Mặc cho những đợt gió biển cuốn theo cát hay bụi đường tấp vào, sau cùng, những mớ khô này đều được đóng gói, chuyển vào TPHCM tiêu thụ.
Vi, da cá mập đầy thuốc tẩy
Vì cho rằng dùng vi, da cá mập chữa được bệnh ung thư nên hiện nay, giá của các loại này (đã qua sơ chế) cao ngất trời, đặc biệt là vi cá mập mà người tiêu dùng thường gọi là cước cá. Hiện giá cước cá loại 1 lên đến 20 triệu đồng/kg, còn da cá mập có giá trung bình 1,4 triệu đồng/kg. Thường chỉ có những buổi yến tiệc của các gia đình khá giả mới dùng da cá hoặc cước cá mập. Thế nhưng, chẳng mấy thực khách biết rằng mình đang dùng thuốc tẩy trong bữa ăn thịnh soạn ấy.
Các cơ sở chế biến vi, da cá mập khi mua cá về bỏ lăn lóc trên sàn đất để mổ xẻ lấy vi, lấy da vì… đã có thuốc tẩy. Bà Huỳnh T.K (phường 6, TP Tuy Hòa), chủ một cơ sở gia công vi, da cá mập cho một công ty yến sào lớn ở TPHCM, cho biết không thể không dùng thuốc tẩy vì khách chuộng mặt hàng trắng đẹp. “Da cá mập chỉ có màu đen thôi nhưng họ yêu cầu trắng đẹp thì mình phải cho thuốc tẩy. Chỉ cần ngâm 5 phút thì da cá từ màu đen sẽ thành màu trắng. Còn cước cá cho qua thuốc tẩy là nó trở nên óng ánh, đẹp lạ thường” - bà K. nói.
Cũng theo chủ cơ sở này, những người làm vi, da cá mập gọi là thuốc tẩy nhưng không ai biết trong đó gồm những chất gì. Trước khi mang sản phẩm đi phơi hoặc sấy, công nhân đổ thuốc tẩy vào chảo nước rồi ngâm vi, da cá 5-10 phút. Tùy yêu cầu mặt hàng trắng cỡ nào, họ để cho thuốc tẩy nhiều hay ít. “Công nhân không mang bao tay sẽ bị lột da ngay”- bà K. cho biết.
Bà Phan T.Đ, chủ DNTN A.Đ - chuyên sản xuất và cung cấp yến sào, hải sản cao cấp trên đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa), cho biết muốn mặt hàng trắng cỡ nào cũng có. “Chỉ cần cho nhiều thuốc tẩy, ngâm lâu là bảo đảm mặt hàng trắng muốt nhưng buôn bán thì được chứ đừng ăn”- bà Đ. khuyên.
Hải sản ôi thiu tiêu thụ khắp nơi
Tiếp cận những lò hải sản ở các phường Xương Huân, Vĩnh Thọ, xã Phước Đồng ở TP Nha Trang - Khánh Hòa, chúng tôi chứng kiến các loại hải sản được chế biến sơ sài rồi đem ra phơi ở lề đường, ruồi nhặng đậu kín. Một phụ nữ đang phơi cá cho biết: “Cá này được rửa sạch, ướp muối rồi đem phơi nắng, hợp vệ sinh chứ không như một số người ở cảng cửa Bé. Họ mua các loại hải sản thiu, ươn về rửa sạch rồi ngâm với nước muối và một số hóa chất không rõ nguồn gốc”. Ông Đỗ Trung Hiệp, Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ, thừa nhận: “Một số đầu nậu vẫn thường xuyên mua các loại hải sản ôi thiu về luộc lại, ướp muối hoặc sơ chế đem đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh khác”. K.Nam |
Bình luận (0)