Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda kêu gọi tăng cường các nguyên tắc pháp lý để giải quyết hòa bình các xung đột trong bài phát biểu của ông tại kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 26-9 giữa lúc có những tranh cãi về chủ quyền với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thề bảo vệ đất và biển của Nhật, ông Noda công khai chỉ trích những toan tính của các nước nhằm áp đặt ý chí lên những nước khác bằng vũ lực hoặc đe dọa, một thông điệp rõ ràng là nhằm vào những hành động bạo lực ở Trung Quốc chống phá lợi ích của Nhật. Ông cũng nhắc lại những vụ xâm nhập của Trung Quốc vào hải phận Nhật gần đây.
Ngay sau phát biểu của ông Noda tại LHQ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích dữ dội, đồng thời yêu cầu Tokyo ngay lập tức chấm dứt mọi hành động xâm phạm lãnh thổ nước này. Trong tuyên bố của mình, tuy không trực tiếp nêu tên Nhật Bản nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương cho rằng “nước này (Nhật Bản - PV) đã phớt lờ những sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế, công khai vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước khác”.
Thủ tướng Thái muốn xây dựng niềm tin ở biển Đông Bất chấp tranh chấp nảy lửa trên biển Đông đang bị xem là “kho thuốc nổ” ngoại giao, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hy vọng có thể thổi một làn gió mới mang “phong vị nữ giới” lên bàn đàm phán. Phát biểu tại tổ chức phi lợi nhuận Asia Society ở New York (Mỹ) ngày 26-9, bà Yingluck cho rằng với tư cách là quốc gia không có tranh chấp lại có quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên liên quan, Thái Lan sẽ nỗ lực hết sức để giúp xây dựng niềm tin ở khu vực biển Đông. Nhấn mạnh mình không hề xem nhẹ tình hình phức tạp hiện nay, bà Yingluck ví von: “Tôi có thể góp một chút quan điểm nữ giới để giải quyết cuộc xung đột này. Chúng ta không thể phát triển kinh tế thành công nếu ngòi nổ xung đột còn tồn tại trong khu vực. Chúng ta đều hưởng lợi từ việc duy trì giao thương hàng hải tự do và an toàn. Do đó, các vùng biển như biển Đông phải là khu vực của cơ hội hợp tác hơn là tranh chấp”. Tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN vẫn đang giậm chân ở giai đoạn đàm phán về bộ quy tắc ứng xử (COC).
Mỹ Nhung |
Bình luận (0)