Liên quan vụ việc hàng trăm người dân bao vây đòi bồi thường vì sau khi đổ xăng, xe chết máy hàng loạt, sáng 27-9, cây xăng Lan Anh tại số 220 Quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh - TPHCM (thuộc Công ty Thương mại và Vận tải Lan Anh) tạm ngưng hoạt động.
Khó có chuyện nước tràn vào bồn chứa
Giải thích lý do xăng làm chết máy xe, nhiều nhân viên cây xăng này cho rằng do trận mưa lớn trưa 26-9 khiến nước mưa thấm vào các bồn xăng làm ảnh hưởng chất lượng xăng. Tuy nhiên, cách giải thích này không mấy thuyết phục bởi trước khi trời mưa, khách đổ xăng tại đây cũng gặp sự cố.
Trao đổi với chúng tôi, một chủ cây xăng lớn ở TPHCM cho rằng nếu một vài xe vào đổ xăng, sau đó chạy một đoạn chết máy thì có thể do xe bị hỏng chi tiết nào đó. Còn trường hợp hàng trăm xe sau khi đổ xăng thì bị chết máy khả năng chất lượng xăng có vấn đề. Bởi lẽ, bồn chứa xăng được thiết kế xây dựng nằm âm dưới lòng đất và xây rất kín, theo quy chuẩn đã được pháp luật quy định nên không thể có kẽ hở để nước tràn vào hòa lẫn xăng như đại diện cây xăng giải thích. Mặt khác, xăng luôn nhẹ hơn nước, khi tràn vào bồn (nếu có) sẽ tách lớp, xăng nổi bên trên, nước chìm bên dưới. Nếu bồn bị thủng dưới đáy, tất cả xăng đã chảy ra ngoài.
Giám định chất lượng xăng làm cơ sở xử lý
Ngoài cây xăng này, Công ty Lan Anh còn một vài cây xăng khác nằm rải rác trên địa bàn TPHCM.
Có thể đòi bồi thường Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), hàng loạt xe máy bị hỏng hóc sau khi đổ xăng rõ ràng là dấu hiệu bất thường. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân sự việc, nếu do ngấm nước mưa thì trạm xăng cũng phải bị xử lý hành chính về việc không bảo đảm chất lượng hàng cung cấp. Trường hợp chủ cây xăng pha nước hoặc các chế phẩm nhằm làm tăng lợi nhuận thể hiện sự gian dối với khách hàng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi “lừa dối khách hàng” tại điều 162 Bộ Luật Hình sự. Với số lượng hàng trăm xe bị chết máy, hỏng hóc đã thuộc trường hợp nghiêm trọng thì khung hình phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm hoặc từ 2 năm đến 7 năm. Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng. Dù trong trường hợp nào (do bị ngấm nước hay cố ý gian dối khách hàng như nêu trên) thì phía trạm xăng cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự cho các chủ xe. Những nạn nhân nếu muốn làm rõ trách nhiệm của trạm xăng và yêu cầu đền bù theo trách nhiệm dân sự thì phải liên hệ ngay cơ quan công an hoặc chính trạm xăng đó để lập biên bản sự việc làm cơ sở chứng minh là xe của mình đổ xăng tại đây và hỏng hóc do xăng dỏm gây ra.
P.Dũng |
Bình luận (0)