Bộ Công Thương vừa công bố giá điện sẽ được tính toán lại từ đầu tháng 10. Bộ này cũng đề nghị tăng giá than và kiên quyết giữ quan điểm điều chỉnh giá bán điện theo thị trường, tối đa 3 tháng tăng giá một lần, kể từ quý IV/2012. Giá gas cũng được các doanh nghiệp công bố sẽ tăng tiếp khoảng 20.000 đồng/bình.
Xăng dầu cũng lên kế hoạch tăng giá từ đầu tháng 10 tới.
Xăng dầu cũng lên kế hoạch tăng giá từ đầu tháng 10 tới. Điều này sẽ như giọt nước tràn ly vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 9 đã lên mức 5,13% so với tháng 12-2011, cao nhất từ đầu năm đến nay và cao nhất trong các tháng 9 của những năm vừa qua. Nếu những tháng còn lại của năm tăng cao như tháng 9 thì việc thực hiện nhiệm vụ kìm giữ lạm phát một con số như Chính phủ đề ra sẽ rất nhọc nhằn. Và như vậy, nồi cơm của dân đã vơi vì suy giảm kinh tế và thất nghiệp sẽ lại càng teo vì gia tăng lạm phát.
Đáng chú ý, việc đề xuất hay công bố tăng giá đều xuất phát từ quyền lợi của các tập đoàn chi phối thị trường. Doanh nghiệp xăng dầu kêu tại thời điểm này, họ vẫn đang lỗ 5.000 tỉ đồng. Ngành điện kêu lỗ hơn 26.000 tỉ đồng. Tập đoàn Than - Khoáng sản la làng đang tồn kho khoảng 6,9 triệu tấn và đang phải bù lỗ cho ngành điện 8.000 tỉ đồng (nếu tính theo giá xuất khẩu thì khoản bù lỗ này lên tới 900 triệu USD)!
Kinh doanh là có lời, có lỗ. Khi có lời, không thấy tập đoàn nào kêu, cũng không ai tỏ ý chia sẻ lợi nhuận cho xã hội; còn khi lỗ, lại bắt Nhà nước và người dân phải gánh chịu. Lạ hơn, từ trước đến nay cứ thấy điện, than, xăng dầu luôn trong dàn đồng ca kêu lỗ. Nhưng chuyện phải công khai, minh bạch cách tính giá xăng dầu cũng như giá điện, than... để từ đó có các giải pháp điều hành hiệu quả theo đúng nghĩa thị trường thì đến nay vẫn chưa có công bố chính thức nào.
Cơ quan quản lý thì cứ mải tranh luận “buông” hay “thả”, không ai chịu ai. Chuyện lỗ lã của các tập đoàn “anh cả” này cũng không thấy ai chịu trách nhiệm. Ông Lê Đình Ân, nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tại một cuộc hội thảo quốc gia mới đây đã cho rằng chính tư duy và cách quản lý kiểu “nửa vời” như hiện nay như là cục máu đông... Cục máu đông ấy đang gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế và thiệt hại cuối cùng chủ yếu người dân phải gánh chịu.
Bình luận (0)