Băng ghế đầu tiên trong phòng xử dân sự TAND TPHCM được mặc định là chỗ ngồi của các đương sự. Phiên tòa hôm ấy, đầu ghế bên này yên vị bởi người đàn ông tóc bạc trắng. Đầu ghế bên kia là người thanh niên tầm 30 tuổi, quần áo bảnh bao, gương mặt sáng láng. Nhìn kỹ, không khó để nhận ra mỗi đường nét thanh tú trên khuôn mặt người thanh niên thừa hưởng được từ người đàn ông tóc trắng. Họ là cha con. Băng ghế dài chưa đầy 2 m nhưng khoảng trống giữa họ tưởng như là hố sâu thăm thẳm.
Phân chia “giới tuyến”
Vụ tranh chấp tài sản giữa cha con họ dần mở theo diễn biến phiên tòa. Năm 2005, sau gần 30 năm chung sống, do cuộc sống chung phát sinh nhiều mâu thuẫn, vợ chồng ông quyết định ra tòa ly hôn. TAND quận 9 - TPHCM xét xử chấp thuận cho họ ly hôn, phần tài sản gồm 2 thửa đất nông nghiệp, một ngôi nhà do vợ chồng yêu cầu tự giải quyết nên tòa không xem xét.
Sau ly hôn, ông và vợ cùng cậu con trai vẫn sống chung dưới một mái nhà. Để tránh “đụng” nhau, hai bên thỏa thuận phân chia “giới tuyến” bằng cách ngăn ngôi nhà thành hai phần. “Dù đã tạo vách ngăn nhưng chưa có ngày nào tôi yên ổn với mẹ con bà ấy. Hễ thấy mặt tôi là con trai đá thúng đụng nia, chửi chó mắng mèo. Tôi chịu không nổi muốn nói chuyện phải quấy thì nó nói tôi không phải cha nó nên không đủ tư cách hầu chuyện. Thậm chí, có lần hai mẹ con bà ấy cùng nhào đến đánh đập, ép tôi viết di chúc để lại toàn bộ tài sản. Vì thương con, tôi cố gắng chịu đựng, không mở miệng báo công an... Nuôi con cực khổ trăm bề, giờ thành tài, nó trả nghĩa bằng cách mong cho tôi chết” - ông rưng rưng kể trước tòa.
Sau nhiều năm không nhìn nhận cha, mới đây, cậu con trai tham mưu cho mẹ khởi kiện cha đòi phân chia tài sản gồm căn nhà và 2 thửa đất nông nghiệp.
Quyết… “kết tội” cha
Tại phiên tòa sơ thẩm TAND quận 9, ông trình bày rằng trước khi cưới vợ, ông được cha mẹ cho 2 thửa đất nông nghiệp làm tài sản riêng. Sau khi con trai chào đời, thấy nhà chật chội, mẹ ông cho ông một khoản tiền mua nhà ra riêng. TAND quận 9 tuyên xử 2 thửa đất nông nghiệp thuộc tài sản riêng của ông (tài sản trước hôn nhân) nên không phải chia cho vợ. Ngôi nhà là tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, thuộc tài sản chung nhưng xét nguồn gốc mua từ tiền của mẹ ông nên tuyên ông được phần nhiều theo tỉ lệ 6-4.
Không đồng tình, vợ ông kháng cáo toàn bộ bản án. Theo bà, căn nhà phải được chia đôi, 2 thửa đất nông nghiệp cũng cần “định giá” để thanh toán lại công sức của bà sau 30 năm chung sống đã cùng chồng vun vén, canh tác cho nhiều hoa lợi.
Trong phiên tòa phúc thẩm mới đây, người con trai được mẹ ủy quyền nêu quan điểm: “Chúng tôi đến đây không phải để tranh chấp phần đất riêng của… “người này” mà chỉ muốn xin lại một phần công sức của mẹ tôi. Công sức ấy thể hiện ở chỗ đã cùng nhau canh tác, giữ gìn và đóng thuế. Nghĩa vợ chồng mấy chục năm qua, chẳng lẽ đùng một cái ly dị, người vợ phải ra đi tay trắng? Còn căn nhà thực tế do cả hai dành dụm, chỉ vì tin tưởng mà mẹ tôi để… “người này” đứng tên...”.
Nghe con trai nói, mặt ông co dúm lại, đôi mắt nhắm nghiền, đau đớn. Vậy mà người con trai vẫn không thèm nhìn qua cha lấy một lần, lớn tiếng kể tội, khẳng định cha là kẻ vô tình, bạc bẽo. Nghe những lời “kết tội” lạnh lùng của con đối với cha, nhiều người dự khán bỗng thấy ái ngại trước bi kịch của một gia đình trí thức. Ông là cán bộ nghỉ hưu, người con trai sau khi tốt nghiệp đại học, nhờ mối quan hệ của cha cũng được nhận làm việc tại một sở lớn ở TP...
“Cha anh đã già, phận con cái sao không trả hiếu mà lại cư xử bạc tình đến vậy? Chỉ có con cái bất hiếu chứ cha mẹ nào tệ bạc với con? Hình hài của mình ai cho? Ai dưỡng nuôi anh từ lúc chỉ là một sinh linh nhỏ bé...?” - vị chủ tọa bức xúc nói. |
Bình luận (0)